Con số kỷ lục này đã "cuốn phăng" tất cả việc làm được tạo ra trong khoảng thời gian dài bùng nổ việc làm chỉ trong vỏn vẹn 1 tháng khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Ngày 23/4, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần lễ kết thúc vào ngày 18/4, đã có thêm 4,4 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Con số này thấp hơn báo cáo tuần trước là 5,2 triệu đơn song vẫn duy trì ở mức cao do các biện pháp hạn chế được chính phủ áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Số liệu mới nhất này đã nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lên hơn 26 triệu đơn kể từ tuần lễ kết thúc vào ngày 21/3 vừa qua, tương đương với 16% lực lượng lao động Mỹ. Trong khi đó, trong giai đoạn bùng nổ việc làm kéo dài từ tháng 9/2010 đến tháng 2 vừa qua, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 22 triệu việc làm. Nhà kinh tế trưởng Joseph Brusuelas thuộc Ngân hàng miền Tây ở San Francisco nhận định: "Nền kinh tế Mỹ đang 'chảy máu' việc làm với tốc độ và quy mô chưa từng được ghi nhận trước đây. Nó có thể so sánh như một thảm họa tự nhiên mang tầm quy mô quốc gia".
Mặc dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng đầu vẫn ở mức rất cao, song số liệu của tuần trước đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp, làm dấy lên hy vọng tình hình tồi tệ nhất có thể đã qua. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng đầu dường như đã đạt đỉnh ở mức kỷ lục 6,8 triệu việc làm trong tuần kết thúc vào ngày 28/3. Tuy nhiên, báo cáo cập nhật mới nhất của Bộ Lao động vẫn khiến bức tranh kinh tế ảm đảm của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Bất chấp số liệu việc làm ảm đạm, các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở phố Wall đồng loạt tăng điểm khi mở cửa phiên giao dịch ngày 23/4. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 23.561,52 điểm, chỉ số tổng hợp S&P500 cũng tiến 0,4% lên mức 2.811,14 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq nhích thêm 0,3% lên 8.524,23 điểm.
Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các bang nước này sẽ nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn, ngay cả khi một số quan chức y tế công cộng cảnh báo rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế quá nhanh có thể dẫn tới nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát.