Theo IFRC, trong khoảng thời gian này, có khoảng 2,3 triệu người khác phải đi rời bỏ quê hương do các cuộc xung đột. Thực tế này cho thấy phần đông người di cư nội địa (bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong chính nước mình) là do biến đổi khí hậu gây ra.
Điều phối viên về di cư và nhập cư khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc IFRC, bà Helen Brunt nêu rõ mặc dù các con số này được ghi nhận từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, nhưng chúng cho thấy xu hướng gia tăng trên toàn cầu số người phải di cư nội địa liên quan tới khí hậu.
Bà Helen Brunt nêu rõ: "Mọi việc đang trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm những vấn đề hiện có nghèo đói, xung đột và bất ổn chính trị. Những tác động dồn dập này khiến cho quá trình phục hồi kéo dài hơn và khó khăn hơn: người dân chưa kịp có thời gian phục hồi mà đã phải đối mặt với thảm họa khác".
Theo báo cáo của IFRC, khoảng 60% trong số những người di cư nội địa trong 6 tháng qua là ở châu Á. Công ty tư vấn McKinsey&Co cho rằng khu vực này đang trở nên dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa về khí hậu hơn so với các khu vực khác trên thế giới do thiếu các biện pháp thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, số liệu thống kê của Trung tâm Giám sát di cư nội địa (IDMC) cho thấy trung bình có 22,7 triệu người di cư mỗi năm, trong đó có cả những người di cư do các hiện tượng địa vật lý gây ra như động đất, núi lửa phun trào. Tuy nhiên, phần đông trong số này liên quan tới thời tiết.
Trên quy mô toàn cầu, các nước đã ghi nhận 17,2 triệu người di cư nội địa trong năm 2018 và 24,9 triệu người năm 2019. Hiện chưa có con số di cư nội địa trong cả năm 2020, song báo cáo 6 tháng/lần của IDMC cho thấy có 9,8 triệu người di cư nội địa trong 6 tháng đầu năm 2020.
Năm ngoái, Viện Kinh tế và hòa bình dự báo tới năm 2050 sẽ có hơn 1 tỷ người buộc phải di cư nội địa do xung đột và các thảm họa liên quan tới môi trường.