Tượng Nữ thần Tự do - Niềm tự hào của nước Mỹ

Tượng Nữ thần Tự do từ lâu đã trở thành biểu tượng về ước mơ tự do không chỉ của người dân nước Mỹ, mà còn là của cả nhân loại. Nó đã vượt qua khuôn khổ của một quốc gia và trở thành Di sản văn hóa thế giới. Cách đây 130 năm, ngày 28/10/1886, tượng Nữ thần Tự do đã được khánh thành tại New York, Mỹ.

Kể từ ngày chính thức được khánh thành, trong tiếng kèn, cờ hoa rực rỡ và âm thanh vang rền của 21 phát đại bác, đến nay, tượng Nữ thần Tự do vẫn luôn hiển hiện trong ánh mắt vui mừng của những người dân New York và toàn thể nước Mỹ. Cũng kể từ đó, bức tượng này đã trở thành biểu tượng của đất nước này. 

Là bức tượng nổi tiếng của người Mỹ nhưng có lẽ ít ai biết rằng đây lại là công trình của người Pháp. Năm 1865, sau khi cuộc nội chiến của nước Mỹ kết thúc, một sử gia chính trị của Pháp, ông Edouarde de Laboulaye đưa đề nghị dựng một bức tượng để chào mừng 100 năm ngày độc lập của Mỹ, và cũng là để kỷ niệm tình đoàn kết của liên minh Pháp - Mỹ thời Cách mạng Mỹ giành độc lập từ tay người Anh, mà trong đó nhiều người Pháp đã tham gia chiến đấu và đổ máu.

Toàn cảnh bức tượng Nữ thần Tự do.

Tuy nhiên, bức tượng còn mang một ý nghĩa sâu đậm hơn ngay tại nước Pháp khi mà nước này còn đang bị chia rẽ giữa phe ủng hộ thành lập một nền Cộng Hòa và phe Bảo hoàng vẫn muốn nước Pháp duy trì thể chế quân chủ. Sử gia Laboulaye hy vọng bức tượng đồ sộ, ca ngợi tự do, sẽ có ảnh hưởng đến công luận về đề tài này ngay tại Pháp.

Và phải mất 21 năm công trình thiết kế và dựng tượng Nữ thần Tự do mới được hoàn tất. Bức tượng có tên gọi đầy đủ là “Tượng Nữ thần Tự do soi sáng thế giới”. Điêu khắc gia kiêm kiến trúc sư chính đảm nhận khởi công vào giai đoạn đầu là ông Frédéric Auguste Bartholdi, một nghệ sỹ chuyên về những công trình đền đài. Sau đó, công trình còn có sự cộng tác của kỹ sư Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel ở Paris. 

Du khách xếp hàng vào thăm tượng Nữ thần Tự do.

Bức tượng nặng 229 tấn, thân cao 46 m, được đặt trên một bệ lớn trên đảo Bedloe, cửa sông Hudson, nhìn ra cảng New York. Chất liệu chính để tạo nên bức tượng này chủ yếu là đồng. Song thời gian đã khiến bức tượng chuyển sang màu xanh như ngày nay.

Tượng là hình mẫu một phụ nữ mang y phục của người Hy Lạp hay La Mã cổ đại. Trên đầu của Nữ thần là chiếc vương miện có 7 đường tia sáng tỏa quanh tượng trưng cho ánh sáng tự do, hạnh phúc tràn ngập 7 đại dương và 7 lục địa trên trái đất và 25 khung cửa sổ là biểu tượng cho 25 loại đá quý được tìm thấy trên trái đất.

Tay phải của Nữ thần giơ cao ngọn đuốc dài đến 12,8 m, với ánh lửa mạ vàng sáng bóng tượng trưng cho ngọn lửa luôn được thắp sáng - ngọn lửa của niềm hy vọng, mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng dẫn đường tới tự do, bình đẳng và bác ái. 

Tay trái Nữ thần nắm bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ - một văn bản chính trị được tuyên bố vào ngày 4/7/1776, trong đó đề cập đến việc 13 thuộc địa Bắc Mỹ không còn lệ thuộc vào nước Anh. Bản tuyên ngôn nêu cao quyền được sống tự do và bình đẳng. 

Chân tượng đạp lên sợi dây xích đứt đoạn, hàm ý cho quá trình lật đổ sự cai trị của các thế lực tàn bạo và sự phá vỡ xiềng gông của ách áp bức và nô lệ. Đó là cuộc đấu tranh gian khổ để đạt được tự do, độc lập của nhân dân Mỹ.

Bên trong bức tượng có một cầu thang xoắn ốc gồm 354 bậc giúp du khách có thể tham quan phần đầu của bức tượng. Trước khi sự kiện đánh bom khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York, Mỹ xảy ra, tượng Nữ thần Tự do được mở cửa để du khách tham quan có thể leo lên cao tới tận vương miện của bức tượng này và ngắm quang cảnh của bến cảng New York. Tuy nhiên, sau sự kiện kinh hoàng 11/9, công trình này đã tạm thời bị đóng cửa với khách tham quan do vấn đề an ninh. Phải đến 3 năm sau, vào ngày 3/8/2004, chính quyền Mỹ mới cho phép mở cửa trở lại cho du khách đến tham quan tượng Nữ thần Tự do. Riêng phần vương miện của bức tượng, phải đến năm 2009, du khách mới có cơ hội được leo lên trên đó. Ngày nay, kiệt tác điêu khắc của nhân loại này vẫn đón hơn 4 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. 

Tượng Nữ thần Tự do không chỉ mang ý nghĩa ca ngợi cuộc cách mạng của người dân thuộc địa Bắc Mỹ chống lại sự cai trị của đế quốc Anh để tạo dựng nên một Hợp chủng quốc Hoa Kỳ như ngày nay, đồng thời ca ngợi tình đoàn kết giữa hai nước Pháp và Mỹ trong cuộc cách mạng đó mà còn có nhiệm vụ như ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè từ ngoài khơi đi vào cảng New York từ năm 1886 đến năm 1902. Đây cũng là ngọn hải đăng đầu tiên của Mỹ dùng đèn chiếu sáng chạy bằng điện có thể thấy từ ngoài khơi cách xa tới 39 km.

Với những ý nghĩa biểu tượng sâu xa và tầm vóc đồ sộ khác thường, tượng Nữ thần Tự do đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1984. 

Sau 130 năm, đến nay tượng Nữ thần Tự do vẫn luôn là niềm tự hào của nước Mỹ, đến nỗi người ta vẫn thường nói rằng, nếu đến Mỹ mà chưa ghé thăm Nữ thần Tự do thì chưa phải đã đến Mỹ. Niềm tự hào ấy của người Mỹ không phải không có lý, bởi lẽ bức tượng Nữ thần Tự do đã mang trong mình những giá trị to lớn về văn hóa - lịch sử của nước Mỹ.
TTL
Tượng Nữ thần Tự do mở cửa trở lại
Tượng Nữ thần Tự do mở cửa trở lại

Nhiều du khách tới Mỹ đã thức dậy từ bình minh để có cơ hội trở thành một trong những người đầu tiên đến thăm bức tượng Nữ thần Tự do, nhân dịp công trình nổi tiếng này chính thức mở cửa đón khách trở lại để chào mừng Ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN