Alexander Mikhailovich Zverev và Irina Zvereva chắc chắn đang là hai người Nga cảm thấy hạnh phúc nhất sau chiến tích của Alexander Zverev - cậu con trai thứ hai. Sinh ra ở Hamburg và mang quốc tịch Đức, nhưng 100% dòng máu của nhà vô địch Olympic 2020 là người Nga.
Nước Đức từng sở hữu một Steffi Graf vĩ đại, khi từng giành Golden Slam vào năm 1988 (4 Grand Slam + HCV Olympic Seoul). Nhưng đó là quần vợt nữ, còn với quần vợt nam, tấm HCV Thế vận hội vẫn là nỗi khắc khoải. Huyền thoại Boris Becker từng vô địch đôi nam tại Olympic Barcelona 1992 (đánh cặp với Michael Stich), nhưng ông chưa bao giờ giành huy chương đơn nam. Tay vợt nam của Đức có thành tích tốt nhất ở Thế vận hội là Tommy Haas, người từng thua Yevgeny Kafenikov sau 5 set đấu căng thẳng ở Olympic Sydney 2000.
Sau hơn hai thập kỷ, đối thủ vẫn là một tay vợt Nga, nhưng chiến thắng thì thuộc về người Đức, và rất dễ dàng. Zverev giành tổng cộng 4 break và không lần nào thua trong game giao bóng của mình. Anh đạt tỷ lệ ăn điểm trong giao bóng một đến 87% (26/30), giành 22 điểm winner và chỉ có 7 lần đánh hỏng. Trận chung kết diễn ra với thế trận một chiều và kết thúc chỉ sau 79 phút. Đó cũng là tấm huy chương vàng thứ tư của đoàn thể thao Đức tại Thế vận hội lần này.
Zverev là con nhà nòi thực sự bởi cả bố và mẹ anh đều là các tay vợt chuyên nghiệp và từng thi đấu trong màu áo đội tuyển Liên Xô. Năm 1991, cả hai đều chuyển tới Đức và Zverev được sinh ra ở Hamburg. Có lẽ do mang 100% dòng máu Nga, và sau này lại sinh sống ở Monte Carlo – một động thái được cho là để “né” nghĩa vụ nộp thuế, nên nhiều người Đức vẫn không yêu thích Zverev lắm. Nhưng bất chấp điều đó, anh vẫn đang là tài năng sáng giá nhất của quần vợt Đức hiện nay, và ở một đẳng cấp khác hẳn so với Jan Lenard-Struff (48 ATP), Dominik Koepfer (59) và Yannik Hanfmann.
Tấm HCV này là danh hiệu danh giá nhất mà Zverev giành được, sau khi đã vô địch 4 giải Masters 1000 và đăng quang ở ATP Finals 2018. Chức vô địch này còn ý nghĩa hơn khi anh quật ngã ứng cử viên số một Novak Djokovic ở bán kết. Đó là một màn lội ngược dòng ngoạn mục khi Zverev đã thua set đầu 3-6, nhưng đã thắng 10 game liên tiếp để lọt vào chung kết. Cần phải nhắc lại, kỳ Olympic này cực kỳ quan trọng với Djokovic, bởi anh đặt mục tiêu Golden Slam. Và Nole thất vọng đến nỗi bực tức đập gãy hai cây vợt của mình.
Liệu những hình ảnh như thế có lặp lại ở Flushing Meadows vào tháng 9 tới, nếu Zverev tái ngộ một Djokovic đang khát khao phục thù và muốn hoàn tất Calendar Slam? Chỉ thời gian mới có thể trả lời, song chắc chắn Grand Slam sẽ là một trải nghiệm khắc nghiệt hơn hẳn Olympic. Có một điểm chung ở cả 6 danh hiệu lớn mà Zverev từng giành được: Chúng đều là các giải đấu theo thể thức 3 set thắng 2, trong khi ở Grand Slam, các tay vợt đều phải thi đấu theo thể thức 5 set thắng 3, và nó đòi hỏi bản lĩnh rất lớn của các tay vợt. Nó cũng lý giải tại sao, các trận đấu thể thức hai set là một lợi thế của Next Gen khi đối đầu với Djokovic, đồng thời cũng là bất lợi của họ tại đấu trường Grand Slam.
Zverev từng lọt vào Top 5 thế giới trong các năm 2017 và 2018, nhưng đều không vượt quá vòng tứ kết Grand Slam. Nhưng đã có một chuyển biến đáng kể sau khi anh vô địch ATP Finals 2018 (thắng Djokovic ở chung kết). Đó là anh đã ba lần lọt vào bán kết hoặc hơn trong 6 Grand Slam gần nhất. Bây giờ, với tấm huy chương vàng Olympic – thứ mà cả Federer và Djokovic đều mơ ước – có lẽ Zverev đã có thêm một cú hích nữa cho sự nghiệp của mình.
Quá xúc động khi đoạt HCV Olympic ngay trong lần đầu tiên tham dự, Alexander Zverev thừa nhận “cạn lời” sau khi đăng quang: “Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không biết phải nói gì trong cuộc phỏng vấn. Cảm xúc trong tôi lúc này đang dâng trào. Tôi không chỉ chơi cho cá nhân tôi mà còn cho cả quốc gia của mình”.
Chia sẻ với truyền thông, Alexander Zverev cho rằng, Olympic là giải đấu lớn nhất đối với bất kỳ môn thể thao nào, và anh thừa nhận: “Tôi không thể tin rằng mình là vận động viên đã giành được tấm HCV Olympic”.