Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, tạo đà cho những tháng tiếp theo. Trong số 15 chỉ tiêu có kết quả đánh giá, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, kịch bản đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 6,59% (đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; thứ 23/63 tỉnh, thành phố).
Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phục hồi, tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động của dịch bệnh và suy thoái kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,5%. Số lượt khách du lịch tăng 28,3%. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 58,5% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh có 173 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 104,8% kịch bản đề ra. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại, hạn chế; chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng tháng, từng quý, từ đó có kế hoạch cụ thể để tập trung thực hiện.
Cùng với đó, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, đề án, chính sách giai đoạn 2021 - 2025 đã ban hành. Rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số…
Ngay sau hội nghị, 3 ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ kinh phí làm nhà ở cho các hộ nghèo của tỉnh với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Yên Bái và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Yên Bái đã trao biển hỗ trợ tỉnh Yên Bái 10 tỷ đồng, tương đương 100 ngôi nhà/đơn vị; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Yên Bái trao biển hỗ trợ tỉnh Yên Bái 2,5 tỷ đồng, tương đương 50 ngôi nhà.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho biết, với mục tiêu trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát và "không ai bị bỏ lại phía sau", năm 2023, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án và Kế hoạch triển khai trong năm 2023 với mục tiêu hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Yên Bái đã lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Sau gần 2 tháng triển khai thực hiện Đề án, đến nay tỉnh Yên Bái đã nhận được kinh phí hỗ trợ 16 tỷ đồng từ các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh Yên Bái cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ của các ngân hàng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau".