Vốn chính sách giúp đồng bào thiểu số nghèo ở Gia Lai vượt khó

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 38.500 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến gần 90%. Để giúp đồng bào thiểu số nghèo ổn định cuộc sống, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi heo rừng lai và trồng cà phê của gia đình chị RơLan Siu H’Hằng, làng Tu 1, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Tai huyện biên giới Chư Prông với gần 4.700 hộ nghèo, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, đến nay, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận được nguồn vốn vay chính sách với mức vay từ 50-80 triệu đồng để đầu tư các mô hình sản xuất hiệu quả, chất lượng phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Chị RơLan Siu H’Hằng trú tại làng Tu 1, xã Ia Ga, huyện Chư Prông chia sẻ, trước đây gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn vì không có vốn để đầu tư sản xuất. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2021, chị RơLan Siu H’Hằng đã quyết định vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi lợn rừng lai, trồng cà phê và chăm sóc vườn bạch đàn. Nhờ đó, gia đình chị đã tạo ra nguồn thu nhập tăng thêm từ 40 – 50 triệu đồng/năm.

"Chính nhờ có sự quan tâm của Đảng, nhà nước, gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống", chị RơLan Siu H’Hằng tâm sự.

Ông Phạm Thế Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Prông cho biết, doanh số cho vay 5 tháng đầu năm 2023 của phòng giao dịch đạt trên 57 tỷ đồng, với 1.700 lượt khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ hoàn trả vốn của khách hàng rất cao, đạt 98%.

Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách, phòng giao dịch sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng về các chương trình tín dụng chính sách, cũng như phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn để triển khai giải ngân kịp thời các nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Không chỉ giải ngân nguồn vốn kịp thời cho những hộ vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai còn tập trung hỗ trợ thủ tục, giải ngân vốn vay nhà ở xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh KPuih Eng, làng Tu 2, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Điển hình là gia đình Anh Ksor Tứ ở buôn Choanh, xã Uar, huyện Krông Pa, một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình này vui mừng cho biết: "Tôi rất biết ơn chính sách của Đảng và nhà nước đã giúp tôi có điều kiện xây dựng được ngôi nhà mới như thế này. Giờ gia đình tôi không còn lo lắng về nơi ở, con cái được học hành đầy đủ, còn được khám chữa bệnh miễn phí. Trước đây, tôi còn được nhà nước hỗ trợ tiền mua bò giống để nuôi bò sữa. Nhờ đó, thu nhập của gia đình hiện đã tăng hơn rất nhiều so với trước".

Thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị này đã nỗ lực huy động các nguồn vốn mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, doanh số cho vay đạt gần 965 tỷ đồng với trên 25.000 hộ vay; trong đó, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 51%, với số tiền vay gần 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, cũng đã giải ngân hơn 49 tỷ đồng cho gần 1.000 hộ vay để chuyển đổi nghề, đất ở, đất sản xuất và làm nhà ở.

Ông Đinh Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, ngân hàng luôn coi trọng việc triển khai các chương trình cho vay chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bởi tỉnh Gia Lai còn nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của người dân, ngân hàng đã luôn bám sát và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương để tìm hiểu thực tế cũng như điều kiện của các hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách khác để đưa ra kế hoạch, chỉ tiêu và tiêu chí phân bổ vốn hợp lý. 

Thực tế cho thấy, vốn vay chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề, động lực giúp đồng bào thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai kịp thời giải quyết được những khó khăn trước mắt, tiến tới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Cùng đó, vốn chính sách còn góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý vốn của đồng bào thiểu số, giúp họ từng bước tự lập và thoát nghèo bền vững.

Qua đây, có thể khẳng định mục tiêu của chính sách này mang tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng góp chung vào nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Hoài Nam – Xuân Huy (TTXVN)
Ban Kinh tế Trung ương giám sát về thực hiện nguồn vốn chính sách tại Sóc Trăng
Ban Kinh tế Trung ương giám sát về thực hiện nguồn vốn chính sách tại Sóc Trăng

Ngày 7/6, Đoàn giám sát do ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về tình hình huy động, quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN