Tìm cơ hội cho du lịch cất cánh

Thời gian qua, tuy đời sống dân cư chưa cao nhưng du lịch vùng Tây Bắc đã được các cấp chính quyền từ Trung ương và ở các địa phương trong vùng quan tâm đầu tư khai thác có bước phát triển và đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển du lịch chung.


Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc:Tích cực đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, nhiều địa phương trong vùng Tây Bắc đã và đang tích cực đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác cả về bề rộng và chiều sâu, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Điển hình là: Mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ trong Chương trình Du lịch về cội nguồn. Phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, qua những miền di sản Tây Bắc, Việt Bắc, xây dựng tour - tuyến du lịch qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn) và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên)… Nhiều doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có doanh nghiệp du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến Tây Bắc, với tình cảm và trách nhiệm của mình, triển khai những dự án đầu tư đầy ý nghĩa tại vùng đất này, như: Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) với 3 dự án là: Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc (Cao Bằng); Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể (Bắc Cạn); Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ.

Đồng bào dân tộc Mông trong trang phục đẹp nhất, nô nức cùng nhau về chợ vùng cao vui “Tết Độc lập” truyền thống.

Tuy nhiên, do điều kiện giao thông cách trở, đường xá xa xôi, kết cấu hạ tầng thấp kém, nguồn lực đầu tư hạn chế… những kết quả đạt được trong quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch ở vùng Tây Bắc còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa thực sự có chiều sâu và chiến lược; liên kết với các địa phương trong cả nước để phát triển còn mờ nhạt, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả còn thấp.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch: Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất

Việc đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc cần được tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù… là những lĩnh vực mà vùng còn yếu so với mặt bằng chung. Cụ thể là đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông quan trọng mang tính liên vùng để kết nối các tuyến du lịch, đặc biệt tuyến du lịch theo Chương trình "qua miền Tây Bắc". Đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch quốc gia, các sản phẩm du lịch đặc thù vùng. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm đặc thù của vùng để tạo tiền đề xây dựng thương hiệu du lịch cho vùng. Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch gồm tăng cường số lượng cơ sở lưu trú đảm bảo đủ theo dự báo đến năm 2020 và đầu tư chiều sâu theo hướng nâng cao chất lương dịch vụ. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp và nâng cao trình độ nghiệp vụ và để tiến kịp với các địa phương khác trên cả nước.

Từ các lĩnh vực tập trung đầu tư, các chương trình và dự án đầu tư từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn vùng Tây Bắc gồm: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nhân lực du lịch. Quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu du lịch. Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Phát triển Khu du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang (Điện Biên); Khu du lịch Bản Giốc (Cao Bằng); Khu du lịch Mộc Châu (Sơn La); Khu du lịch Tân Trào (Tuyên Quang); Khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Khu du lịch Sa Pa (Lào Cai); Khu du lịch Đền Hùng (Phú Thọ); Khu du lịch hồ Hòa Bình (Hòa Bình); Khu du lịch hồ Thác Bà (Yên Bái).


Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Thiếu sự đầu tư trọng điểm

Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Hà Giang còn nhiều hạn chế và bất cập; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng; hoạt động du lịch còn chủ yếu dựa vào tự nhiên. Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, phát triển và vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thiếu bền vững. Thiếu sự đầu tư trọng điểm và các nguồn lực đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ, số lượng dự án đã triển khai và đi vào hoạt động còn ít, hiệu quả chưa cao.

Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chất lượng hoạt động của nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu của khách. Chất lượng phục vụ chưa cao, chưa chuyên nghiệp, kém tính cạnh tranh, việc liên kết phát triển du lịch chưa được quan tâm... Bên cạnh đó công tác quảng bá và xúc tiến du lịch còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển du lịch, hệ thống các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, khai thác yếu tố văn hóa bản địa phục vụ khách du lịch còn hạn chế. Các cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập, mới chỉ hỗ trợ cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng chưa đáp ứng kịp thời cho các đối tượng tham gia trong lĩnh vực du lịch khác, đặc biệt là cơ chế cho khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch, còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.


Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ: Tăng cường các hoạt động liên kết

Trong thời gian tới, ngành du lịch Phú Thọ sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế về một số nội dung: Hợp tác trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch song phương về khai thác nguồn khách. Hợp tác trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch. Hợp tác phát triển du lịch với các địa phương kết nghĩa ở nước ngoài trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế và văn hóa chung.

Vị trị địa lý là tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng với các tỉnh vùng núi phía Bắc đã tạo cho Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài nước cùng với hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên phong phú đa dạng. Tỉnh Phú Thọ luôn mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư và liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh bạn nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế, đưa du lịch Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.


Bà Lường Thị Vân Anh, Giám đốc Sở VHTT&DL Sơn La: Ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong thời gian qua tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư với mức tối đa theo các quy định của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư du lịch. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách, ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước, tỉnh Sơn La đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư như: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND ngày 17/9/2014 của HĐND tỉnh, một số chính sách khuyến công, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách thu hút đầu tư du lịch đặc thù cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Bên cạnh việc ban hành các chính sách, tỉnh Sơn La chú trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Đối với những vướng mắc vượt quá thẩm quyền của ngành, UBND huyện, thành phố; những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành UBND tỉnh chủ trì chỉ đạo giải quyết dứt điểm; không để phản ánh, kiến nghị kéo dài...
Viết Tôn
Du lịch di sản văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên
Du lịch di sản văn hóa và thắng cảnh thiên nhiên

Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN