Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vùng Tây Bắc cần được quan tâm đầu tư đồng bộ về các điều kiện hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật. Các dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, công trình dịch vụ, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch cần có quy mô vừa phải, đảm bảo tính hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Cần gắn kết các địa bàn được hỗ trợ bởi các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ để đẩy mạnh phát triển du lịch, tiếp tục đầu tư hỗ trợ năng lực đón tiếp khách du lịch. Các địa phương cần có cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặc biệt về phát triển du lịch cộng đồng. Các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng cần có quan điểm đầu tư về bảo tồn văn hóa truyền thống và hỗ trợ cộng đồng. Đầu tư phát triển du lịch vùng Tây Bắc là góp phần vào sự phát triển, xóa đói giảm nghèo ở những địa bàn còn khó khăn.
Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng 2015", một hoạt động của Tuần văn hóa Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2015. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Vùng Tây Bắc cần được quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực: Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, phát triển hệ thống dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan; đầu tư vào kỹ năng mềm, nguồn nhân lực, năng lực quản lý, phát triển sản phẩm; đầu tư công tác xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường.
Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tây Bắc có 12 khu du lịch quốc gia và 4 điểm du lịch quốc gia được định hướng phát triển. Theo đó, các địa phương cần tích cực xây dựng quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia: Cao nguyên đá Đồng Văn, Thác Bản Giốc, Mẫu Sơn, hồ Ba Bể, Tân Trào, hồ Núi Cốc, Sa Pa, hồ Thác Bà, Đền Hùng, Mộc Châu, Điện Biên Phủ - Pá Khoang, hồ Hòa Bình, từng bước hình thành các địa bàn trọng điểm du lịch, tạo ra những cực hút và điểm nhấn của du lịch vùng đồng thời liên kết phát triển các điểm du lịch quốc gia trong vùng là TP.Lào Cai, Pắc Pó, TP.Lạng Sơn, Mai Châu. Để phát triển các khu du lịch quốc gia rất cần cơ chế đầu tư thông thoáng, cởi mở, những chính sách đặc thù thu hút các doanh nghiệp.
Hệ thống hạ tầng giao thông cần được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là hệ thống đường bộ đến các điểm du lịch. Nâng cấp triệt để hạ tầng giao thông đường sắt tuyến Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh, đầu tư cho hệ thống nhà ga, tiện nghi dịch vụ và năng lực vận chuyển; phát triển giao thông đường không, đầu tư xây dựng sân bay tại Quản Bạ, Hà Giang, tại Lai Châu... Nhà nước có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, ưu đãi đối với đầu tư vào địa bàn có nhiều tiềm năng nhưng còn khó khăn; tăng cường đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân. Đẩy mạnh liên kết công - tư, xã hội hóa để huy động nguồn lực. Các địa bàn ưu tiên đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tập trung, trước mắt vào 12 khu du lịch quốc gia và 4 điểm du lịch quốc gia và các tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch, địa bàn trọng điểm.
Trên các tuyến đường trải nghiệm mang tính đặc thù cao đầy hấp dẫn nhưng hiểm trở, cần được đầu tư xây dựng các trạm nghỉ, quan sát, dịch vụ hỗ trợ. Các bản làng dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ đầu tư đường sá, cầu cống và hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải trong các thôn bản. Tây Bắc là khu vực ưu tiên đầu tư phát triển du lịch gắn với cộng đồng, thu hút sự tham gia và mang lại lợi ích cho cộng đồng trực tiếp. Lĩnh vực đầu tư này rất cần thiết và phải được đầu tư thận trọng, ở những quy mô nhỏ và được nghiên cứu kỹ về các nét văn hóa truyền thống, đồng thời hỗ trợ cộng đồng trong các kỹ năng mềm tránh làm thay đổi tập quán sinh hoạt và ảnh hưởng tiêu cực tới truyền thống, bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong quá trình tham gia đầu tư trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc hay gửi khách đến vùng Tây Bắc cũng cần tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương trong vùng tổ chức xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Tây Bắc và thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp giúp vùng Tây Bắc thu hút trúng đối tượng thị trường, tập trung chính vào khách du lịch sinh thái và tìm hiểu văn hóa, tránh thị trường hóa các điểm du lịch vùng Tây Bắc bằng thị trường khách du lịch đại trà.
Các giá trị cảnh quan, sinh thái và văn hóa vô cùng đặc sắc của vùng Tây bắc là những tiềm năng to lớn chưa được khai thác hết cho phát triển du lịch. Đến nay, với chủ trương hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch thông qua các hoạt động tăng cường năng lực và hỗ trợ phát triển của Dự án du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, với sự quyết tâm của chính quyền các địa phương trong vùng, với sự sẵn sàng của bộ máy liên kết trong nhóm công tác các tỉnh Tây Bắc mở rộng và với nhu cầu ngày càng lớn của thị trường khách trong và ngoài nước, du lịch Tây Bắc hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả và bền vững. Vai trò của các doanh nghiệp tiên phong, đặc biệt là các doanh nghiệp trên bàn Thành phố Hồ Chí Minh có thể coi là đòn bẩy quan trọng trong sự phát triển của du lịch Tây Bắc, giúp mảnh đất nhiều tiềm năng đầu tư này đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế.