Tỉnh cũng có 257 mã số cơ sở đóng gói được cấp phục vụ xuất khẩu chính ngạch trái cây; có 250 mã số đóng gói trái cây xuất sang thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đang tiếp nhận xử lý thêm 204 hồ sơ đăng ký mã số vùng trổng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích vườn quả gần 8.900 ha. Đồng thời, tiếp nhận xử lý thêm 83 hồ sơ đăng ký cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây.
Ông Võ Văn Men cho biết, Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, diện tích cấp mới mã số vùng trồng đạt khoảng 82.000 ha; trong đó có gần 14.500 ha sầu riêng sẽ được cấp mã số vùng trồng. Riêng trong năm 2023, dự kiến có trên 25.800 ha vườn cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng, có gần 7.800 ha vườn chuyên canh sầu riêng xuất khẩu.
Thực hiện Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng và Căn cứ Công văn số 6413/UBND-KT ngày 23/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị liên quan cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo phân cấp.
Tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên, nông dân về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng; hỗ trợ hội viên kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các vùng trồng được cấp mã số.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và nông dân lập hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gắn với tăng cường chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; bố trí cán bộ làm đầu mối tuyên truyền hướng dẫn thiết lập vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng khi được cấp mã số…
Xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) có vùng chuyên canh sầu riêng gần 1.500 ha, là nơi xuất xứ chỉ dẫn địa lý “Sầu riêng Ngũ Hiệp” nổi tiếng do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp. Địa phương chú trọng tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho nông dân; phấn đấu 100% diện tích sầu riêng vùng chuyên canh sẽ được cấp mã số vùng trồng.
Để đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Hợp tác xã Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) đã lập hồ sơ đăng ký và được cấp thẩm quyền cấp 7 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch cho gần 780 ha, đạt 100% diện tích vùng chuyên canh sầu riêng.
Có được mã số vùng trồng, Hợp tác xã Cẩm Sơn triển khai các bước quản lý vùng được cấp mã số vùng trồng, tuyên truyền rộng khắp nông dân tuân thủ quy trình trồng, đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu, giữ vững thương hiệu trái sầu riêng của Hợp tác xã Cẩm Sơn.
Theo đó, thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng ở 100% số ấp trong xã. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư phát triển Vạn Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiện Toàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Song Toàn Phát, Công ty Trách nhiệm hữu hạn trái cây Hồng Sang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thanh Trung… tiêu thụ, xuất khẩu trái sầu riêng.
Giám đốc Hợp tác xã Cẩm Sơn Phạm Văn Nuôi phấn khởi cho biết, dự kiến đến cuối năm 2023, khi địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ nghịch trong năm, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của Hợp tác xã thông qua các doanh nghiệp đầu mối sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kỳ vọng chung của địa phương, hợp tác xã và bà con.
Hiện nay, các tổ chức, nông dân duy trì và mở rộng diện tích vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các mã số vùng trồng đã chuyển sang cây trồng khác, vùng trồng không còn hoạt động hoặc không tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu báo cáo Cục Bảo vệ thực vật thu hồi, hủy mã số...
Ngoài ra, để quản lý các vùng sản xuất trồng trọt ngày càng chặt chẽ và thuận lợi hơn, tránh việc cấp mã số vùng trồng trùng lặp trên cùng một diện tích. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng thí điểm tại một số địa phương trồng sầu riêng trọng điểm.
Theo đó, phần mềm sẽ thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ; cụ thể về diện tích, giai đoạn đoạn sinh trưởng, dự kiến thời gian thu hoạch, sản lượng,… theo từng giống sầu riêng tại các địa bàn, làm cơ sở nhân rộng bản đồ hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng và các cây trồng chủ lực của tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, địa phương hiện có gần 83.000 ha vườn trồng cây ăn quả cho sản lượng mỗi năm khoảng 1,6 triệu tấn trái cây với nhiều đặc sản có giá trị xuất khẩu.
Với việc đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nói riêng, xuất khẩu sang thị trường các nước nói chung, Tiền Giang đang nắm bắt cơ hội để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh.