Những năm qua, các ngành, các cấp của tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt quyền tự do tôn giáo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; phát huy quyền con người trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở địa phương.
Tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động
Tại Kon Tum, các tôn giáo được tạo điều kiện để xây dựng cơ sở thờ tự hợp pháp, với 110 cơ sở Công giáo, 39 cơ sở Phật giáo, 4 cơ sở Tin lành và 3 cơ sở Cao Đài.
Trong những năm qua, hoạt động của các tôn giáo tại Kon Tum được tổ chức, thực hiện thường xuyên, liên tục, trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương, Điều lệ của từng Giáo hội. Các tổ chức tôn giáo cũng tăng cường củng cố công tác tổ chức qua việc đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, phong thẩm; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc. Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các cuộc lễ trọng, các cuộc lễ ngoài cơ sở thờ tự hợp pháp; tổ chức đại hội, hội nghị thường niên nhằm củng cố đức tin trong giáo hội, mở rộng địa bàn hoạt động đạo.
Thượng tọa Thích Nhuận Bảo, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum gửi lời cảm ơn đến các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo hoạt động tự do. Riêng Phật giáo đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động những ngày lễ lớn như Rằm tháng Giêng, Lễ Vu lan, Lễ Phật đản…, qua đó đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trên địa bàn.
Linh mục Giuse Đỗ Hiệu, Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum cũng nhận định, trong năm 2023, đa số mong muốn, nguyện vọng của Giáo phận đã được các cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện, đáp ứng. Điều này cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với Giáo phận, bà con Giáo dân nói riêng và đối với tất cả các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nói chung.
Bà Nguyễn Thị Nhung, chức sắc Tin Lành thuộc họ truyền giáo Cơ Đốc Việt Nam chia sẻ, Hội thánh Diên Bình, huyện Đăk Tô là Hội thánh nhỏ nhất của họ truyền giáo Cơ Đốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã Diên Bình nên mọi hoạt động của Hội thánh diễn ra thuận lợi. Vào các dịp lễ, nhất là Lễ Giáng sinh, chính quyền xã đều đến thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện để đồng bào thể hiện đức tin với tôn giáo mình.
Bên cạnh việc được tạo mọi điều kiện để hoạt động hợp pháp, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 30/11, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm Tòa Giám mục Giáo phận Kon Tum và Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum.
Đại tướng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tích cực của các tôn giáo đối với sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum trong nhiều năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo là luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tổ chức tốt các hoạt động tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống của địa phương, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của nhân dân.
Đấu tranh với các “tà đạo”, “đạo lạ”
Song song với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật, cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum cũng thường xuyên theo dõi, đấu tranh với các “tà đạo”, “đạo lạ” du nhập vào tỉnh. Đây là những tôn giáo chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng phát triển tự phát, lôi kéo một số người dân tham gia, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tôn giáo chính thống trên địa bàn tỉnh.
Theo Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số tôn giáo chưa được công nhận như “Pháp môn Diệu Âm”, “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”, “Hội thánh Đức Chúa trời toàn năng”, “Pháp luân công”, “Pháp lý vi vô khoa học huyền bí phật pháp”, “Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Thiên tâm đạo Trời của Cha Mẹ”. Ngoài ra, có hai tôn giáo chưa được công nhận khác là “Tà đạo Hà Mòn” và “Tổ chức Tin lành Đấng Christ” hiện đã bị xóa bỏ qua công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nhìn chung, các “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay chưa có các hoạt động liên quan đến an ninh trật tự; do đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tôn giáo không chính thống, chưa được công nhận.
“Chúng tôi luôn ủng hộ việc làm này của các cấp chính quyền. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, chúng tôi luôn dạy các tín đồ không tin, nghe theo các tôn giáo lạ, chưa được công nhận. Chúng tôi cũng nhận diện đây là những tôn giáo xấu, độc, có nguy cơ gây mất đoàn kết giữa các tín đồ, giữa các tôn giáo với nhau”, Linh mục Giuse Đỗ Hiệu, Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Quang Dũng, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian tới, Ban Tôn giáo tỉnh tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời xem xét hoặc tham mưu giải quyết theo thẩm quyền nhu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.
Ban Tôn giáo cũng tích cực phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp nảy sinh, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo; bảo đảm an ninh trong tôn giáo; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Ban Tôn giáo tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền tăng cường thực hiện tốt công tác thăm hỏi, động viên tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện cac hoạt động tôn giáo, tổ chức các cuộc lễ truyền thống, lễ trọng theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương, điều lệ của Giáo hội. Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Qua đó, xây dựng và phát triển các tôn giáo ngày càng phát triển, sống “tốt đời, đẹp đạo”, khẳng định chủ trương tự do tôn giáo, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam, ông Vũ Quang Dũng khẳng định.