Thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Kon Tum là tỉnh có gần 55% người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Người dân nơi đây còn lưu giữ một số phong tục, tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức chưa cao nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Gia đình anh A Ngực (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đã chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả sang mô hình trồng dứa và xen canh cây mắc ca đem lại thu nhập cao. 

Trước thực trạng đó, tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai, nhân rộng giúp người dân từng bước nâng cao nhận thức. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giảm dần.

Tại Kon Tum, thu nhập chính của đa phần người dân nơi đây đều từ trồng mì (sắn). Vì vậy, đời sống người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Đầu năm 2022, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, chính quyền xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng mì sang các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh A Nghìn (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm) đã mạnh dạn phá bỏ 1 ha mì để chuyển sang trồng sâm dây và gừng. Anh A Nghìn cho biết: Trước đây, với 3 ha mì, gia đình anh có thu nhập khoảng 55 triệu đồng/năm. Khi chuyển sang trồng thử nghiệm 1 ha sâm dây và gừng, thu nhập của gia đình đã cao hơn gần gấp 2 lần so với trước đây. Nhờ cán bộ xã thường xuyên đến địa bàn để cầm tay, chỉ việc, diện tích sâm dây và gừng của gia đình anh phát triển rất tốt; dự kiến khi thu hoạch sẽ được giá cao hơn so với ước tính ban đầu.

Chú thích ảnh
Hơn 1 héc ta sâm dây được anh A Nghìn (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) chuyển đổi từ diện tích trồng mì kém hiệu quả. 

Anh A Ngực (làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) chia sẻ: Trước đây, toàn bộ diện tích đất của gia đình anh đều trồng mì. Tuy nhiên, đến năm thứ 4, củ mì không đạt được năng suất cao, làm cho đất bạc màu dẫn đến thu nhập giảm đáng kể. Với sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình anh đã chuyển đổi đất trồng mì sang trồng dứa và xen canh cây mắc ca, lấy ngắn nuôi dài và tăng thu nhập cho gia đình. UBND xã Đăk Trăm thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn giúp người dân nắm bắt kỹ thuật trồng, hướng đến đạt năng suất cao.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo dược Tây Nguyên là đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ số sản phẩm nông nghiệp do người dân tại xã Đăk Trăm làm ra; đồng thời, khuyến khích người dân tập trung làm nông nghiệp theo mô hình sản xuất hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Đơn vị còn đưa ra mức giá bảo hiểm cho mỗi cây là 8 nghìn đồng và cam kết với người dân về giá cả. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ dân tại xã Đăk Trăm nói riêng và huyện Đăk Tô nói chung tham gia làm nông nghiệp sạch, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm Trương Đình Tuệ cho biết, sau hơn 1 năm triển khai, người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực về nếp nghĩ và cách làm, nhất thanh niên, trung niên. Nhiều gia đình đã đẩy mạnh thực hiện trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trước đây. Hiện các hộ đã trồng được 3 ha sâm dây, 2 ha cây sơn tra, 3 ha cây quế.  Xã sẽ vận động và tiếp tục hướng dẫn người dân trồng các loại dược liệu sau khi mùa mưa kết thúc để tránh bị ngập úng cây.

Tại huyện Đăk Tô, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại nhiều chuyển biến tịch cực. Các hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã từng bước nâng cao nhận thức, không còn lưu giữ những phong tục canh tác lạc hậu, không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước, tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Anh A Nghìn (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) chăm sóc diện tích gừng được chuyển đổi từ diện tích trồng mì kém hiệu quả. 

Ông Bùi Tiến Lý, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cơ bản trên địa huyện đã không còn những thủ tục lạc hậu. Bà con nơi đây chỉ còn những thói quen trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống chưa phù hợp. Tuy nhiên, huyện đã thường xuyên chỉ đạo các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chủ động tham gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị xã hội xây dựng các mô hình để giúp người dân có những cách làm và suy nghĩ mới trong lao động sản xuất.

Thông qua Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, hơn 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thuộc 102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình. Đây là tiền đề quan trọng để đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện, hướng đến xây dựng Kon Tum ngày càng giàu mạnh.

Bài, ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Bưởi đường - Cây thoát nghèo ở Tuyên Quang
Bưởi đường - Cây thoát nghèo ở Tuyên Quang

Từ nhiều năm qua, bưởi đường ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người tiêu dùng đánh giá là loại trái cây thơm ngon, múi bưởi mọng nước, vị ngọt thanh rất có lợi cho sức khỏe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN