Khách tham quan gian hàng nông sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN. |
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ:
Thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực
Cần triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lồng ghép với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh và của vùng. Có chính sách phát huy các nguồn vốn sáng tạo thúc đẩy khởi nghiệp, khoa học công nghệ; đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, trong đó có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng như vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp tham gia và vốn tín dụng ngân hàng. Cuối cùng là tăng cường hơn nữa các hình thức liên kết, hợp tác theo nhu cầu và thực chất hơn. Từ các hình thức “liên kết nhà nước” giữa chính quyền địa phương với nhau và với các bộ, ngành cần chuyển sang chủ yếu liên kết doanh nghiệp, liên kết thị trường dựa trên nền tảng lợi ích.
Trên cơ sở đó tổ chức nghiên cứu ứng dụng, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với từng chuyên ngành tạo ra các sản phẩm chủ lực.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
Thực hiện quy chế thí điểm liên kết vùng
Để thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL được ban hành từ ngày 6/4/2016 có hiệu quả, theo tôi có bốn vấn đề:
Trước hết cần bảo đảm nguyên tắc: Thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện.
Thứ hai, ưu tiên rà soát các quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn phát triển và nguồn lực đầu tư. Hoàn thiện quy hoạch vùng, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, tạo không gian thống nhất trong vùng.
Thứ ba, sớm hình thành thể chế quản lý, điều hành chung trong khu vực, tạo ra sự liên kết vùng chặt chẽ hơn, trật tự hơn; thúc đẩy nhanh liên kết giữa các địa phương trên cơ sở hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích của địa phương với lợi ích của khu vực; giữa địa phương với địa phương, đặc biệt trong các vấn đề về xử lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối hạ tầng…
Thứ tư, thiết lập hệ thống thông tin vùng với yêu cầu kịp thời, minh bạch, cụ thể, thuận lợi khai thác, sử dụng thông tin.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn:
Đột phá về chính sách vốn
Trong chính sách cho vay đối với nông nghiệp nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để áp dụng các phương thức cho vay và cung ứng sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp.
Ví dụ cho vay trước thu hoạch thì không nhất thiết phải đưa vốn trực tiếp cho nông dân mà có thể thông qua doanh nghiệp ứng trước vật tư hàng hóa đầu vào và khấu trừ khi thu mua sản phẩm. Bên cạnh chính sách phát triển các công cụ tín dụng thì cần hoàn thiện khung pháp lý để cung ứng đồng bộ các sản phẩm dịch vụ khác hoặc liên kết định chế tài chính khác để phát triển các sản phẩm như: quản lý tiền mặt, quản lý tài sản, bảo hiểm thanh toán, phái sinh hàng hóa, đại lý ngân hàng, biên nhận lưu kho….
Cải cách, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp, tài sản đảm bảo… Các điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các chương trình tín dụng (ưu đãi) cần được đơn giản hóa đến mức tối thiểu.
Về đối tượng được tham gia, hưởng ưu đãi trong các chương trình cho vay ưu đãi lĩnh vực ưu tiên thuộc nông nghiệp nông thôn cần được tiếp tục điều chỉnh theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng để nâng cao được khả năng tiếp cận với các dòng vốn tín dụng.
Nâng cao định mức ưu đãi cho các chương trình trọng điểm cả về hạn mức vay và lãi suất cho vay một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, đặc biệt là định mức và thời hạn cho vay. Hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro trong cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, phân định rạch ròi về trách nhiệm của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của người vay khi rủi ro bất khả kháng xảy ra và có cơ chế xử lý nhanh để bù đắp tái tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất.
Thành lập quỹ phòng chống rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL:
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Vùng được xác định phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên phải bằng mọi cách đưa những thành tựu của công nghệ vào sản xuất. Cây, con giống phải được tuyển lựa từ những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học như di truyền chọn giống, cấy mô, cấy ghép tế bào...
Tiếp đó là cơ giới hóa trong làm đất, khoa học thủy lợi, quản lý nguồn nước, cùng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Công đoạn kỹ thuật sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và công nghệ chế biến để tăng giá trị cho thành phẩm nông, thủy sản cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Thạc sĩ Phạm Mỹ Duyên, trường đH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh:
Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp theo ngành nghề, chú trọng đào tạo nghề gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản chủ lực. Trong đào tạo nghề tại địa phương cần đảm bảo cân đối cung - cầu theo nhóm ngành nghề, tránh tình trạng ngồi nhầm chỗ trong giáo dục, kể cả đào tạo nghề.
Đẩy mạnh mối liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh trong hỗ trợ đào tạo tại địa phương cũng như phát huy vai trò đầu tàu của Cần Thơ trong đào tạo tại chỗ. Song song đó cần có chính sách đãi ngộ tốt để thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác tại các tỉnh vùng ĐBSCL.