Tỉnh Đắk Lắk có trên 6.000 gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện Krông Ana, Ea H’leo, Krông Búk, Buôn Đôn, Cư M’gar, sử dụng các giếng đào và một số công trình cấp nước tập trung từ giếng khoan. Những nguồn cấp nước này cũng cạn kiệt, nên đồng bào đang thiếu nước sinh hoạt. Còn ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột, nguồn nước ngầm cũng giảm nhanh, cạn kiệt, nên tỉnh đã phải cắt nước luân phiên (1 ngày có, 1 ngày không, thậm chí 4 ngày không 1 ngày có nước) theo từng khu vực.
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Tây Nguyên cũng thiếu nước. |
Các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên từng địa bàn và kịp thời triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho đồng bào. Đồng thời, hướng dẫn đồng bào nạo vét các giếng đào, những gia đình có giếng khoan còn nguồn nước tự nguyện bơm nước để giúp đồng bào trong từng thôn, buôn có nước sạch sinh hoạt. Những thôn, buôn thiếu nước sinh hoạt gay gắt, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến, kiên quyết không để đồng bào thiếu nước uống, nước sinh hoạt.
Các tỉnh cũng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tuyệt đối không sử dụng nước đục, nước bẩn để uống, sinh hoạt, tránh nguy cơ dịch bệnh do sử dụng nước không hợp vệ sinh gây ra. Đặc biệt, đối với tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở xã Ayun và xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai), ngoài việc mua bồn chứa inox và vận chuyển nước sạch cấp nước uống cho bà con, tỉnh đã thống nhất với Công ty xăng dầu Bắc Tây Nguyên hỗ trợ hai bồn chứa nước, mỗi bồn chứa 20.000 lít, bố trí đặt tại mỗi trung tâm xã một bồn và tổ chức vận chuyển nước sạch đến để nhân dân có nước dùng thường xuyên…