Khai thác thế mạnh địa phương
Xuất phát từ lợi thế về đất đai, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất nông sản đặc sản tập trung, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến theo hướng hữu cơ, cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho hàng vạn hộ nông dân; góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt dựa trên lợi thế riêng đã phát huy hiệu quả, như: trồng thảo dược, lúa chất lượng cao, chè san tuyết, khoai sọ, sơn tra, mắc ca, mô hình nuôi dê, lợn rừng, gà đen, trâu bò vỗ béo, nuôi ong lấy mật... Nhờ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định, thoát nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh chia sẻ, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình trên địa bàn đã chủ động học hỏi, xây dựng thành công các mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Phần lớn diện tích đất trồng cây hằng năm được chuyển đổi trồng những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm quanh năm, giúp người dân thoát nghèo, từng bước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Nhiều mô hình liên kết giữa hợp tác xã với hàng nghìn hộ dân trồng các loại rau màu, nấm ăn, hoa đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình hơn 100 ha trồng bí xanh và bí ngô mật tại xã Mỹ Gia (huyện Yên Bình) cho thu nhập 160 triệu đồng/ha; mô hình hơn 200 ha trồng hoa hồng tại xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải) đạt trên 500 triệu/ha và gần 90 ha trồng rau mầm đá đạt trên 600 triệu đồng/ha... Đây chính là những mô hình xóa đói, giảm nghèo trên diện rộng, ngày càng được nhân rộng tại Yên Bái.
Bên cạnh đó, những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo dựa vào cảnh quan thiên nhiên đã thu hút một số nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng... hấp dẫn đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. Hiện những loại hình du lịch này đang tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn đồng bào để thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ giảm nghèo đa chiều
Để hỗ trợ giảm nghèo theo hướng đa chiều hiệu quả, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn; nhất là vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu luôn được ưu tiên như: đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm y tế, chợ... Đến nay, tỉnh đạt 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, giao thông đi lại được 4 mùa.
Đến hết tháng 11/2024, Yên Bái đã giải ngân được trên 85% kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Trên 99% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; gần 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 94% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 97% thôn, bản có nhà văn hóa. Từ năm 2020 đến nay đã có 13/59 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thông qua các chương trình, dự án và huy động xã hội hóa, các nguồn vốn được lồng ghép công khai từ cơ sở, nhất là nguồn vốn hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tạo việc làm luôn minh bạch, có sự giám sát của nhân dân. Địa phương đảm bảo các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiếu số, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế...
Bên cạnh đó, tỉnh coi trọng hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt cho người nghèo, nhất là hỗ trợ đào tạo nghề dưới hình thức trực tiếp, ngắn ngày; khuyến khích người lao động trong độ tuổi, có sức khỏe đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người dân với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mông Tuân cho rằng, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế thông qua việc xây dựng cơ chế hợp tác liên kết với doanh nghiệp tại địa phương là hiệu quả nhất, đảm bảo việc làm và thu nhập bền vững cho người dân. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kết nối đào tạo, giới thiệu vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một thành viên có việc làm ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.
Khơi dậy tinh thần thoát nghèo
Qua thực hiện công tác giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã rút ra nhiều bài học quý, nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo để thay đổi căn bản nhận thức, hành động, khơi dậy tinh thần thoát nghèo và khát vọng vươn lên làm giàu của người dân.
Là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mù Cang Chải vẫn còn gần 40%. Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hộ nghèo, người nghèo luôn được đặt vào vị trí chủ thể, trung tâm của mọi hoạt động giảm nghèo. Trước hết, địa phương tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng từ gia đình, nhà trường tới các đoàn thể chính trị xã hội để thay đổi tư duy, chủ động thoát nghèo của người dân.
Từ thực tiễn tại huyện Mù Cang Chải cho thấy, khi người nghèo được khơi dậy tinh thần tự lực, dám nghĩ dám làm thì sự hỗ trợ của chính quyền mới có tác dụng. Nhận thức tự vươn lên thoát nghèo sẽ là biện pháp tốt nhất giải quyết tận gốc nguyên nhân đói nghèo. Từ đó, cuộc sống của người nghèo mới được cải thiện thực chất.
Những năm qua, công tác giảm nghèo của Yên Bái đã đạt được kết quả ấn tượng, phong trào "tự nguyện đăng ký thoát nghèo" được nhân rộng. Phần lớn hộ nghèo, người nghèo đã có sự thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và hành động, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 59 xuống còn 46 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 462 xuống còn 258 thôn, bản. Toàn tỉnh còn trên 18,5 nghìn hộ nghèo theo chuẩn mới.
Yên Bái xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của tỉnh trong thời gian qua. Nhờ đó, giúp cải thiện rõ rệt đời sống người dân, chỉ số hạnh phúc được nâng cao qua từng năm; góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào chủ trương, chính sách giảm nghèo của Nhà nước.