Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp người dân thoát nghèo bền vững

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tại Hải Phòng, hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần tích cực cùng các cấp, ngành thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
 Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân quận Ngô Quyền làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) quận về thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn.

Giảm gánh nặng, tạo sự sẻ chia

Chị Đỗ Thị Hương (thôn Quyết Thắng, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là mẹ đơn thân đang nuôi 2 con trong độ tuổi ăn học. Gia đình chị thuộc diện cận nghèo, thu nhập của cả nhà trông vào mấy sào ruộng. Năm 2019, Ủy ban nhân dân xã, các hội, đoàn thể xã Đồng Minh và Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Quyết Thắng đã giúp chị tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Bảo với số tiền 50 triệu đồng để kè ao, thả cá. Cùng với đó, chị còn được hướng dẫn cách làm, kỹ thuật chăn nuôi nên việc sản xuất từng bước hiệu quả, đem lại thu nhập cho gia đình, qua đó giúp bớt đi phần nào khó khăn.

Bên cạnh nguồn vốn được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tại Hải Phòng, hội viên phụ nữ muốn tiếp cận vốn vay còn có thêm một kênh khác là Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ thành phố. Lũy kế đến tháng 7/2024, có 9.678 hộ được vay từ nguồn quỹ này với tổng số tiền trên 207 tỉ đồng.

Chú thích ảnh
Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Bảo đang hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay vốn cho người dân.

Ngoài hỗ trợ về vật chất, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho phụ nữ như triển khai Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030; trang bị kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, nhờ đó đã giúp hội viên vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng để huyện thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Thụy đã cho các đối tượng chính sách vay trên 1.078 tỉ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2024 đạt trên 491 tỉ đồng, giúp 1.175 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn và trả nợ đúng hạn. Nhờ đó, số hộ nghèo trong huyện giảm nghèo từ 8,65% (năm 2014) xuống còn 0,68% (năm 2023); hộ cận nghèo từ 8,71% (năm 2014) xuống 2,12% (cuối năm 2023).

Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực cùng các cấp, ngành thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố. Từ khi triển khai Chỉ thị số 40 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 967 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh, sinh viên được vay với số tiền 16.754 tỉ đồng. Nguồn vốn này còn góp phần tạo việc làm mới cho gần 102 nghìn lao động, xây dựng trên 518 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng khoảng 3.700 căn nhà cho hộ nghèo...

Quan tâm hơn nữa đến cho vay giải quyết việc làm

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thời gian tới, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị 40 cùng kết luận của Ban Bí thư và các thông tri, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy; tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Ông Lê Tiến Châu đề nghị, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng cũng như hiệu quả, chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội.

Còn ông Nguyễn Cao Lân, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quá trình cho vay và giải ngân vốn vay thực hiện thuận lợi nhất.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cao Lân mong muốn Trung ương, thành phố tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các trường hợp được vay vốn, nhất là các hộ mới thoát nghèo, quan tâm hơn nữa đến cho vay giải quyết việc làm và kinh doanh sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vay vốn bởi những trường hợp này phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này cũng góp phần vào thành công trong thực hiện nghị quyết của Thành ủy Hải Phòng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.Cũng liên quan đến việc tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy đề nghị, Phòng giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội cải cách thủ tục hành chính theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, tác nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách khi tiếp cận nguồn vốn.

Minh Thu
Pleiku giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Pleiku giảm nghèo bền vững nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực thiết yếu, quan trọng, giúp TP Pleiku (Gia Lai) thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN