Thương lái thu mua ít, giá giảm đang là vấn đề gây khó cho người trồng lúa. Tỉnh Sóc Trăng đang tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân thu hoạch và tiêu thụ lúa.
Đến cuối tháng 8, tỉnh đã thu hoạch trên 38.000 ha lúa Hè Thu với sản lượng đạt 210.000 tấn. Lúa sau thu hoạch, phần lớn được các thương lái, nhà máy trong và ngoài tỉnh thu mua hết; một số ít, do giá thấp nên người dân phơi khô dự trữ. Do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trong những tuần đầu, giá lúa giảm từ 200 – 1.300 đồng/kg. Hiện giá lúa thường từ 4.200 – 5.700 đồng/kg, giảm từ 200 -1.300 đồng/kg so cùng kỳ; giá thơm nhẹ từ 5.600 - 5.700 đồng/kg, giảm từ 200 - 300 đồng; đặc sản từ 6.000 – 6.400 đồng/kg, giảm từ 100 – 200 đồng.
Ngành nông nghiệp tỉnh nhận định, hiện giá lúa giảm, nhưng vẫn có đầu ra thông qua thương lái tại một số tỉnh đến thu mua. Khó khăn là việc các phương tiện thu mua, thu hoạch khi qua chốt kiểm soát do các địa phương có quy định chưa đồng bộ. Trong nội bộ huyện, thị xã có một số khu vực thiết lập cách ly y tế, phong tỏa địa bàn nên việc vận chuyển nông sản bằng cơ giới cũng khó khăn.
Những nơi thuộc “vùng đỏ” - địa bàn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao còn gặp khó trong việc điều tiết máy thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản. Xe "luồng xanh" không thể vào được huyện lộ để vận chuyển hàng hóa. Việc quy định lưu thông vận chuyển hàng hóa theo quy định giữa các tỉnh khác nhau nên các ghe thu mua lúa đến tỉnh Sóc Trăng cũng khó chưa kể việc vận chuyển máy gặt đập qua lại giữa các địa phương "vùng đỏ".
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang cố gắng tìm biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân; trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong thu hoạch lúa Hè Thu; chỉ đạo các địa phương chủ động điều tiết lượng máy gặt đập, tổ chức sản xuất và giữ chuỗi liên kết sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản để hộ dân tái sản xuất cho mùa vụ tiếp theo; đồng thời, xây dựng phương án trong khâu thu hoạch lúa để hỗ trợ người dân…
Mỹ Xuyên là huyện có diện tích lúa Hè Thu khá lớn của Sóc Trăng với gần 8.200 ha được gieo trồng vụ này. Tình hình dịch bệnh tại đây rất phức tạp, nhiều vùng bị phong tỏa. Nông dân Mỹ Xuyên hiện đang thu hoạch lúa Hè Thu nhưng thiếu máy gặt đập liên hợp và thương lái gặp khó khi vào địa phương, nhất là xã “vùng đỏ” và khu vực cách ly y tế.
Hộ bà Sơn Thị Phượng ở ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, vụ Hè Thu này xuống giống lúa OM18 trên diện tích 1,5 ha. Tuy nhiên, gần đến ngày thu hoạch thì địa phương xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng nên ấp Phú Giao phải thiết lập vùng cách ly y tế và xã Thạnh Quới xếp vào “vùng đỏ”, vùng có nguy cơ rất cao.
Tưởng chừng lúa sẽ không thu hoạch được và cũng không có thương lái vào thu mua nhưng nhờ sự trợ gúp của chính quyền địa phương, gia đình bà Phượng đã thu hoạch xong và bán hết lúa. Mọi năm, ấp Phú Giao cắt lúa có ghe đến thu mua ngay nhưng vụ này phải chờ và nhờ địa phương giải quyết. Dịch bệnh nhưng cuối cùng mọi việc vẫn suôn sẻ - bà Phương cho hay.
Bà Triệu Thị Ánh Hồng, ở ấp Đay Sô, xã Thạnh Quới rất cũng vui khi thuê được máy gặt đập liên hợp để thu hoạch gần 4,5 ha lúa của gia đình và có thương lái đến tận nơi thu mua. Dù giá không cao nhưng giữa lúc dịch bệnh khó khăn thì vẫn chấp nhận được. Theo bà Hồng, năm nay mưa nhiều nên, năng suất lúa thấp hơn hẳn. Giá bán 5.500 đồng/kg trong khi năm trước bán từ 6.500 – 6.800 đồng/kg.
Đối với những hộ có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 hoặc F1 đang cách ly tập trung mà ruộng lúa đến ngày thu hoạch, địa phương tạo điều kiện để người thân thu hoạch giúp và bán cho thương lái, không để hộ dân gặp khó.
Ông Lâm Hal, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Thạnh Quới cho biết, lãnh đạo xã thường xuyên kiểm tra thu hoạch lúa và vận động người dân trong khu vực cách ly y tế tranh thủ đến điểm lấy mẫu kiểm tra PCR theo quy định.
Đối với những hộ đang cách ly tập trung mà tới ngày thu hoạch lúa thì xã giúp đỡ, tạo điều kiện cho người thân của họ cắt, cân, bán lúa giúp để bà con an tâm. Đối với ghe chở, máy cắt lúa ngoài tỉnh, phải đảm bảo thì mới cho thu mua, tự thỏa thuận giá cả, địa phương tạo thuận lợi cho đôi bên trong quá trình mua bán...
Khó khăn về nhân công thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ đã khiến giá thu mua lúa Hè Thu giảm trong thời gian gần đây, gây bất lợi cho nông dân. Tuy nhiên, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và quyết tâm vượt qua khó khăn, tỉnh Sóc trăng từng bước thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ nông sản cho người dân.