Sạt lở nghiêm trọng tại các địa phương ven sông Hậu

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng bắt đầu bước vào đầu mùa mưa. Tình trạng sạt lở bờ sông, đê sông, đê cồn tại các địa phương ven sông Hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang xảy ra nghiêm trọng, với tần suất ngày càng nhiều hơn, gây thiệt hại nặng nề.

Chú thích ảnh
Một khu vực bờ bao bị sạt lở tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).

Huyện Kế Sách là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng do tình trạng sạt lở ven sông. Trong những năm gần đây, sạt lở bờ sông đã xảy ra tại ấp Phụng An, xã An Mỹ. Đoạn sạt lở có chiều dài trên 40 mét, ăn sâu vào đất liền khoảng 10 mét, ảnh hưởng trực tiếp đến đoạn đê sông kết hợp với lộ giao thông nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu, người dân sinh sống tại khu vực sạt lở cho biết, sạt lở vừa gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà sự an toàn về tài sản của các hộ sống quanh chỗ sạt lở bị đe dọa. Chưa kể những lúc thủy triều lớn, nước gây ngập nhà cửa.

Ông Từ Quốc Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Mỹ cho biết, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở tại địa phương xảy ra nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm đều có từ 15-20 đoạn bị sạt lở, quy mô sạt lở, cứ năm sau nhiều và nặng hơn năm trước. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có 4 đoạn sạt lở, tổng chiều dài hơn 154 mét. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đang khảo sát tìm hướng khắc phục sớm nhất để người dân an tâm trong việc đi lại, sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Sạt lở ven sông Hậu tại Sóc Trăng ngày càng nghiêm trọng.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách chia sẻ, tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh, đường giao thông, nhà cửa trên địa bàn huyện xảy ra ngày càng nhiều, nhất là khi có tác động mạnh của bão lũ, triều cường. Sạt lở gây hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng, các khu vực nhà sàn ở cặp bờ sông, làm mất đất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài 2 km, sạt sâu vào lộ bê tông, vườn cây ăn trái từ 3-10 mét, diện tích đất bị sạt khoảng 1 ha/năm. Từ đầu năm đến nay, 13 đoạn bờ bao, lộ nông thôn bị sạt lở, tổng chiều dài 525 mét; 15 đoạn đê cồn sạt lở, tổng chiều dài 714 mét, ước tổng thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Cứ sau mỗi lần có điểm sạt lở, địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ để cùng người dân thực hiện khắc phục tạm thời, đồng thời tiến hành gắn biển cảnh báo. Việc sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Huyện Cù Lao Dung là địa phương luôn chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng sạt lở và triều cường. Trước mùa mưa bão năm nay, địa phương đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó nhằm làm giảm thiệt hại do triều cường, sạt lở gây ra.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, năm 2020, do triều cường, địa bàn huyện Cù Lao Dung có 13 điểm bị sạt lở tại các địa phương và trên tuyến đê bao Tả Hữu, ở các vị trí thuộc các ao nuôi thủy sản của người dân. Ước tổng thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Sạt lở ven sông tại Sóc Trăng ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tài sản, đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là trong việc phòng, chống ảnh hưởng của triều cường năm 2021, huyện Cù Lao Dung phối hợp Chi Cục Thủy lợi khảo sát 13 điểm sạt lở trên tuyến đê bao Tả Hữu thuộc các xã An Thạnh Đông, Đại Ân 1 dài hơn 760 mét; sửa chữa, nạo vét thông thoáng hai cống lớn của huyện phục vụ cho việc tiêu thoát nước tốt. Phòng Nông nghiệp đang đề nghị các xã rà soát các công trình thủy lợi công cộng xung yếu, xuống cấp để báo cáo lên Ủy ban nhân dân huyện, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm sớm có sự chuẩn bị các phương án hỗ trợ, xử lý trước đợt triều cường năm 2021.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo nhận định, tình hình sạt lở diễn biến hết sức phức tạp, tạo một số điểm nóng trên địa bàn các huyện như Kế Sách, Cù Lao Dung… Nguyên nhân sạt lở đến từ quá trình biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy tại các con sông lớn, do các dòng sông thiếu phù sa và thiếu lưu lượng nước.

Chú thích ảnh
Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tiến hành kiểm tra, thống kê khu vực bị sạt lở tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng).

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chia sẻ thêm, hiện nay, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn ra ngày càng phức tạp, cả về quy mô, lẫn phạm vi ảnh hưởng và xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Để khắc phục lâu dài sạt lở, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã tham mưu đến Ủy ban nhân dân tỉnh có hướng dẫn đến các địa phương thống kê và cắm biển báo tại các điểm sạt lở trên địa bàn; khuyến cáo người dân không được chủ quan trước các diễn biến của tình trạng sạt lở ở trên khu vực của mình sinh sống, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng, tránh. Quan trọng nhất, các địa phương khảo sát đánh giá tình hình thực tế việc sạt lở hiện nay để có những giải pháp căn cơ hơn, vừa ứng phó, vừa thuận thiên.

Bài và ảnh: Chanh Đa (TTXVN)
Huyện Sìn Hồ chủ động di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Huyện Sìn Hồ chủ động di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là huyện vùng cao, có địa hình dốc, chia cắt mạnh nên huyện có nhiều hộ dân, khu dân cư chịu tác động mạnh của sạt lở đất mỗi khi mùa mưa về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN