Phụ nữ vùng biên Lai Châu giúp nhau phát triển kinh tế

Những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện linh hoạt, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới.

Chú thích ảnh
Hội viên Đặng Thị Pham tại xã Phúc Than, (Than Uyên, Lai Châu) nuôi 10 con trâu, bò, 3 ao cá và 1ha chè, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Xã biên giới Vàng Ma Chải - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu), có hai dân tộc sinh sống chủ yếu là Dao và Hà Nhì, chiếm gần 100%. Toàn xã có 7 chi hội phụ nữ với hơn 400 hội viên. Trước đây, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng khó khăn và nhận thức hạn chế nên cuộc sống của người dân thiếu thốn, phụ nữ không được tham gia các hoạt động xã hội.

Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vàng Ma Chải thường xuyên đến các hộ gia đình tuyên truyền về các hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, thực hiện phong trào "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch". Chị Phàng Thị Nhừ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vàng Ma Chải cho biết: Phụ nữ xã Vàng Ma Chải là lực lượng lao động nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp. Bước đầu, các hội viên đã biết áp dụng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ trong trồng trọt, chăn nuôi, qua đó xuất hiện nhiều gương điển hình làm giàu chính đáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Điển hình như chị Chẻo U Mẩy, ở bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải, từ lợi thế nhà ở trung tâm xã nên chị đã năng động chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ trồng lúa, ngô sang kinh doanh hàng hóa và chăn nuôi lợn, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 100-150 triệu đồng/năm. Chị Chẻo U Mẩy chia sẻ, cuộc sống gia đình chị khấm khá lên là nhờ sự hướng dẫn tận tình của Hội Phụ nữ xã. Hiện nay, ngoài việc phát triển kinh tế gia đình chị còn giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn để đầu tư chăn nuôi.

Toàn huyện Phong Thổ hiện có 17 cơ sở Hội Phụ nữ, 171 chi hội với gần 12.200 hội viên. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phong Thổ thời gian qua đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ cho hay: Năm 2020, các hội viên đã giúp nhau hơn 4.510 ngày công lao động trong phát triển kinh tế; hỗ trợ hơn 12 tấn gạo, thóc, đậu tương, gần 4.000 gùi củi và 150 triệu đồng tiền mặt cho các gia đình gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Hội còn duy trì 29 tổ tiết kiệm tại chi hội phụ nữ thôn, bản với gần 1.360 thành viên; cho 295 thành viên vay tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, qua đó giúp 40 hộ phụ nữ thoát nghèo, đời sống của hội viên và gia đình từng bước được cải thiện.

Tương tự như xã Vàng Ma Chải, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) chú trọng triển khai, từ đó phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ nhau xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chú thích ảnh
Hội viên Phụ nữ huyện Phong Thổ (Lai Châu) trồng cây lê mang lại thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Cang Cầm Thị Xuấn, 6 tháng đầu năm 2021, Hội đã tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với gần 1.000 ngày công cấy; khuyến khích thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch… tổ chức giúp đỡ 29 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi đã xuất hiện như gia đình chị Nùng Thị Phương, người dân tộc Thái, ở bản Cang Mường (xã Mường Cang), nuôi 15 con trâu, 5 con bò và 3 con dê, mỗi năm thu lãi từ 100-200 triệu đồng. Tận dụng đất rộng, chị Phương trồng khoảng 20ha cỏ voi làm thức ăn cho gia súc để giảm chi phí chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ khá giả của bản.

Hay như mô hình trồng rau hữu cơ của 4 gia đình ở bản Cang Mường, xã Mường Cang với diện tích 700 mét vuông, chủ yếu là trồng rau muống. Các công đoạn chăm sóc đều không có thuốc và phân bón hóa học, vì vậy được người dân ưa chuộng và đặt hàng nhiều. Chị Lò Thị Thực, một trong những chủ hộ trồng rau phấn khởi cho biết, trung bình 20 ngày các hộ thu hoạch một lần, mỗi bó rau muống bán với giá 4.000 đồng. Trồng rau không mất nhiều công chăm sóc, mà còn tạo thêm thu nhập. Thời gian tới, chị cùng các hộ tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.

Trên địa bàn huyện Than Uyên có gần 14.000 hội viên phụ nữ. Để giúp nhau giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Than Uyên đã rà soát những hội viên nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ chị em thoát nghèo bằng việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ.

Bà Lương Thị Tý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên cho biết: Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ"; giúp đỡ gần 3.500 phụ nữ nghèo, hơn 80 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Mặt khác, Hội đã giúp trên 2.100 tổ viên được vay vốn, với số tiền hơn 103 tỷ đồng; 940 lao động nữ nghèo được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng nghiệp, học nghề và gần 600 lao động nữ được giới thiệu việc làm. Đến nay, toàn huyện có trên 50% lực lượng lao động, phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Có thể thấy, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thực hiện sáng tạo, tạo nhiều chuyển biến về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lai Châu đã giúp trên 12.300 hộ vay vốn phát triển kinh tế; có trên 12.200 hộ gửi tiền tiết kiệm với số tiền hơn 10,8 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lai Châu đã giúp hơn 500 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh mỗi năm 4,78%.

Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Việt Hoàng - Đinh Thùy (TTXVN)
Hiệu quả các chương trình giảm nghèo ở vùng biên Sơn La
Hiệu quả các chương trình giảm nghèo ở vùng biên Sơn La

Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Trong những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chương trình chính sách về giảm nghèo như Chương trình 135, Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN