Với người Dao Họ ở Lào Cai, quần áo được may từ những mảnh vải tự dệt có ý nghĩa quan trọng, được sử dụng trong những nghi lễ đặc biệt của một đời người như dệt chăn thổ cẩm dùng cho lễ cấp sắc, mũ đội đầu bảo vệ trẻ em tránh ma tà xâm nhập, địu trẻ em khi lao động... Do đó, phụ nữ Dao Họ ở thôn Trà Trẩu, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, lâu nay vẫn giữ cách dệt vải truyền thống. Hầu như hộ nào trong thôn cũng có khung cửi dệt vải.
Gắn bó với nghề dệt truyền thống từ khi còn nhỏ, bà Triệu Thị Hà (60 tuổi) cho biết, trước đây đồng bào Dao ở Trà Trẩu tự trồng bông, dệt vải, giờ đây có thể dễ dàng mua bông ở chợ về làm. Bông mua ở chợ về để dệt, nhưng cũng phải qua nhiều công đoạn. Sau khi se sợi xong thì mang các nắm sợi cho vào nồi nước đun sôi lên thật cẩn thận, tránh bị rối. Luộc sợi phải liên tục trong 6 giờ, không được đun lửa quá to hoặc quá nhỏ. Nấu một nồi cháo to bằng gạo tẻ rồi lọc lấy nước cháo để đổ lên các nắm sợi rồi vò đi vò lại thật kỹ để hồ thấm vào sợi. Sợi vải khi thấm thêm hồ lại được cho lên sào phơi nắng thật khô. Như vậy khi kéo sợi không sợ bị đứt. Sau đó, người Dao mới bắt tay vào dệt vải bằng khung cửi. Vải sau khi dệt xong và nhuộm chàm thì được đo, cắt và may. Cuối cùng, phụ nữ người Dao lại tỉ mẩn thêu từng đường kim, mũi chỉ để trang trí, tạo điểm nhấn cho bộ trang phục.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Thắng Lê Hải Thanh cho biết, sau khi nghề dệt của người Dao Họ huyện Bảo Thắng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, địa phương đang tích cực phát huy vai trò truyền dạy nghề dệt truyền thống này cho các thế hệ thanh, thiếu niên nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Họ.
Theo mẹ vào rừng tìm lá thuốc từ nhỏ, bà Chảo Cói Mẩy (ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát) đã được truyền nghề, nắm giữ hàng chục bài thuốc nam gia truyền của dân tộc Dao đỏ. Bà Chảo Cói Mẩy chia sẻ: Bà đã tìm kiếm và ghi chép các bài thuốc rồi truyền lại cho các cháu, các em. Bà luôn động viên mọi người giữ rừng, như vậy mới giữ gìn được các cây thuốc, có thêm thu nhập cho cuộc sống gia đình.
Với trăn trở và mong muốn như vậy, cách đây hơn 3 năm, bà Mẩy đã tập hợp phụ nữ trong thôn thành lập Nhóm thầy thuốc thôn Sải Duẩn và Tổ dịch vụ cung cấp lá thuốc tắm; phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với tắm lá thuốc truyền thống ở nhà cộng đồng của thôn. Các mô hình này đang thu hút và tạo việc làm cho 15 phụ nữ trong thôn với mức thu nhập ổn định. Sự ra đời của dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ do phụ nữ làm chủ đã phát triển tiềm năng sử dụng thuốc nam của người Dao đỏ ở thôn Sải Duần. Với những nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, năm 2021, bà Chảo Cói Mẩy đã vinh dự trở thành công dân duy nhất của xã Phìn Ngan được Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen trong đợt Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất du lịch Bắc Hà, chị Lù Thị Tươi (dân tộc Tày, sinh năm 1990) lựa chọn khởi nghiệp từ nghề làm cốm - một món ăn dân dã trước đây vốn chỉ xuất hiện trong những ngày lễ mừng cơm mới của người Tày thôn Na Lo, xã Tà Chải. Cốm Bắc Hà được làm từ giống lúa nếp địa phương trồng trên nương có khí hậu lạnh, thời vụ kéo dài hơn nên hạt cốm cũng mềm và có vị thơm ngon đặc biệt hơn những nơi khác; được du khách đặc biệt ưa chuộng.
Từ những lợi thế trên, năm 2020, chị Tươi bắt tay vào kinh doanh cốm. Với kinh nghiệm làm nghề truyền thống từ gia đình, chị chọn giống lúa tốt nhất để hạt cốm đến tay khách hàng xanh, dẻo, thơm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm của người dân ngày càng cao nên trước vụ cốm năm 2021, chị Lù Thị Tươi đã hoàn thiện các thủ tục để sản phẩm cốm được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng, được cấp mã QR. Nhờ tiếp cận thị trường thông qua mạng xã hội như facebook, zalo nên sản phẩm của chị luôn có đầu ra ổn định, được người tiêu dùng, nhất là người Hà Nội, thành phố Lào Cai, Phú Thọ... ưa chuộng; cung không đủ cầu. Thị trường ngày càng mở rộng, chị từng bước thành lập tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cốm Na Lo - Bắc Hà.
Chị Tươi cho biết, mùa cốm năm 2022 tiêu thụ thuận lợi, giá cốm cao, dao động từ 140 - 150 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác của chị đã tiêu thụ được khoảng gần chục tấn cốm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu trung bình từ 15 - 25 triệu đồng/hộ/vụ. Giờ đây, hương cốm Bắc Hà theo chân du khách và thương lái đi muôn nơi. Đồng bào Tày ở xã Tà Chải cũng vì thế có thêm thu nhập từ nghề làm cốm.
Tỉnh Lào Cai hiện có 30 làng nghề; trong đó có 20 làng nghề truyền thống, chủ yếu là thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, làm hương, mây tre đan, rèn đúc... Hơn một nửa trong số đó là các làng nghề do phụ nữ làm chủ đã thành công ghi dấu ấn thương hiệu như làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Ngải Trồ (xã Y Tý, huyện Bát Xát); làng nghề may, thêu thổ cẩm thôn Nì Xỉ (xã Pha Long, huyện Mường Khương); làng dệt thổ cẩm của người Tày xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên); làng dệt thổ cẩm của người Giáy, xã Tả Van (thị xã Sa Pa); làng dệt vải của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương). Đặc biệt, hàng thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm phụ nữ Xa Phó, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, đã xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản…
Việc giữ gìn và phát triển các làng nghề và nghề truyền thống vừa góp phần phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, mỗi địa phương, vừa cải thiện đời sống của người dân nói chung và phụ nữ vùng cao nói riêng; đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai.