Lời ru buồnTừ lâu nay, hầu khắp các thôn, bản của huyện Mường Nhé (Điện Biên) luôn được biết đến như là một trong những “điểm nóng” của khu vực miền núi về tình trạng tảo hôn. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện chú trọng triển khai thực hiện suốt nhiều năm qua tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn còn hạn chế.
Truyền thông về dân số kế hoạch hóa gia đình ở Mường Nhé (Điện Biên). |
Một biểu hiện dễ nhận thấy nhất của vấn nạn tảo hôn là trong các phiên chợ ở địa phương, có vô số những bà mẹ trẻ địu con trên lưng trông giống như chị cõng em. Thậm chí, có nhiều thiếu nữ mới chỉ khoảng 16 - 17 tuổi mà đã là mẹ của đàn con nhỏ. Cách không xa trung tâm xã, đến bản Nậm Khum, xã Chung Chải, vậy nhưng không khó để tìm gặp những người mẹ trẻ dân tộc Hà Nhì 17 - 18 tuổi đã phải gánh thiên chức làm vợ, làm mẹ của 2, 3 đứa con.
Dẫn chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ, hẹp sau khi đã nghe tuyên truyền về sinh đẻ kế hoạch do Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức về nhà, Lỳ Pó Nu vẫn chưa hết buồn vì không được hưởng 2 triệu đồng khi không được đăng ký chỉ sinh 2 con theo đúng quy định, bởi Nu thuộc diện tảo hôn. Sinh năm 1999, nhưng Nu và Lý Ché Xá đã chung sống với nhau hơn 3 năm và đã sinh được bé gái hơn 2 tuổi. Trong căn nhà tạm, nhìn quanh không thấy có gì đáng giá, vẫn nước mắt lưng tròng, Nu chia sẻ: “Chồng em là người Si La, ở tận bản Nậm Sin, cách gần 10 km. Vì bên nhà em ít ruộng nương, nên anh ấy đi làm nương ở tận bản bên nhà anh ấy, cả tuần có khi nửa tháng mới về đây một lần (đồng bào Hà Nhì có phong tục ở rể). Chúng em thích nhau thì về ở với nhau, chứ đến nay vẫn chưa đăng ký kết hôn. Con em hay ốm đau nên cuộc sống rất khó khăn. Nhưng giờ nghĩ lại em thấy buồn lắm. Em mới chỉ học hết lớp 5, giờ lại muốn đi học vì nghỉ lâu nay em không còn nhớ được nhiều mặt chữ nữa”.
Truyền thông dân số đến từng nhà. |
Về phía phụ huynh, dù không muốn các con lấy chồng, lấy vợ sớm, nhưng họ cũng đành bó tay. Ngồi bế đứa cháu ngoại, ông Lỳ Pó Lòng (bố đẻ của Nu), sinh năm 1976, than thở: “Không cản được chúng anh ạ. Chúng nó thương nhau lúc nào chúng tôi cũng không biết. Khi có thai rồi thì đành phải cho chúng ở với nhau thôi”.
Lấy chồng và làm mẹ ở độ tuổi 13, 14 tuổi không phải là chuyện hiếm ở bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhiều người không muốn cho con lập gia đình sớm, nhưng vì phong tục, vì dòng họ nên cũng đành chịu. Như trường hợp của ông Và Xín Mùa. Đứa con gái 12 tuổi của ông Mùa về nhà chồng ở xã Nậm Cắn từ mấy năm trước, khi đang học lớp 6. “Nó đi học ở trường bán trú trên thị trấn Mường Xén, không biết thế nào lại quen nhau. Rồi nó về bảo là sẽ lấy chồng. Vài hôm sau, thấy có người đến hỏi cưới. Chồng nó hơn nó 8 tuổi. Từ ngày lấy chồng, con bé cũng bỏ học luôn”, ông Mùa kể.
Là Trưởng bản, ông Mùa cũng biết cho con lấy sớm như vậy là vi phạm pháp luật; nhưng người Mông ở Kỳ Sơn có luật tục là nếu nhà nào có con gái được hỏi cưới mà không gả, sẽ ảnh hưởng tới cả dòng họ. Vậy là ông Mùa chịu thua cái luật tục ấy để giờ đây con ông vừa thất học vừa phải lao động vất vả mà vẫn không đủ ăn.
Vấn nạn xã hộiLuật Trẻ em năm 2016 nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn. Tuy nhiên, cùng với thời gian, đây vẫn được xem là một thực trạng khó giải quyết, tồn tại ở cả người Kinh và đặc biệt phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Hãy chung tay bảo vệ trẻ vị thành niên. |
Khảo sát của Ủy ban Dân tộc năm 2015 cho thấy: Trong 53 cộng đồng thiểu số ở Việt Nam có đến 26,6% kết hôn sớm (trung bình cứ 4 cuộc hôn nhân thì có một cặp là tảo hôn); có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%, đặc biệt là ở các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều.
Trước thực trạng này, năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 - 2025 do UBDT đề xuất. Là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, sau 2 năm tích cực triển khai thực hiện với các hoạt động: Truyền thông bằng nhiều hình thức có tính đến yếu tố vùng miền và phù hợp với văn hóa các dân tộc; xây dựng mô hình thí điểm ở các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao; tổ chức tập huấn theo khu vực. Trong quá trình thực hiện Đề án đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội tại Việt Nam và sự phối hợp của một số bộ, ngành liên quan. Tại một số địa phương có tỷ lệ tảo hôn và nguy cơ tảo hôn cao đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, một số tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
“Việc thông qua các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2015, bao gồm mục tiêu về chấm dứt tảo hôn vào năm 2030, là một cơ hội tuyệt vời giúp các trẻ em gái ở nhiều nơi trên thế giới xây dựng tương lai của mình”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến |
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên việc phòng, chống tảo hôn vẫn là một cuộc chiến cam go và lâu dài. Theo các chuyên gia về lĩnh vực hôn nhân, gia đình và xã hội, trước hết cần phải khắc phục được các tình trạng như: Đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử giữa các vùng miền; đồng thời, phải làm sao để nâng cao được dân trí cho toàn xã hội.
Các chuyên gia cũng cho rằng: Cần xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam; trong đó, chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới, có các can thiệp cho trẻ em, nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng của các em, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học, học nghề, bố trí việc làm; cùng với đó là các biện pháp truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhận định: Tảo hôn là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, đặc biệt là làm suy thoái giống nòi. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ngăn ngừa tảo hôn; nhưng tỷ lệ tảo hôn vẫn cao, do nhiều nguyên nhân như phong tục tập quán, nền kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số kém phát triển. “Để giải quyết tình trạng tảo hôn, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các bộ, ngành và các địa phương. Đồng thời, phải có sự tham vấn của các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, để chấm dứt tình trạng tảo hôn. Tập trung vào việc tuyên truyền đến các đối tượng không chỉ cha mẹ mà cả trẻ em. Tất cả mọi người cần phải chung tay giúp mang lại ước mơ, hoài bão cho trẻ em”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA của Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết: “Liên hợp quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo việc thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình và điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế và xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc: Không dễ đẩy lùi tảo hôn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến các yếu tố như: Điều kiện tự nhiên - xã hội nhiều bất lợi; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đại đa số đồng bào còn hạn chế... Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Chính bản thân các em khi kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống sẽ là nạn nhân của thất học, không có việc làm, nghèo đói và bệnh tật. Đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không phải là chuyện dễ dàng trong một sớm, một chiều. Vấn đề mấu chốt là cần phát huy hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật và vận động, tư vấn, hỗ trợ... để giúp đồng bào nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi. Mặt khác, chúng tôi đang rất cần sự vào cuộc phối hợp của các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam: Tăng quyền cho trẻ em gái
Chìa khóa để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có kế hoạch, ngân sách và hoạch định chính sách cụ thể; giảm sát việc thực hiện chính sách tại địa phương và các phản ánh của người dân, nhu cầu của trẻ em gái, trai và việc đầu tư vào tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh và mọi lĩnh vực.
Bà Phạm Thị Phương, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE): Cần chiến lược tổng thể
Mỗi tỉnh có một đặc thù riêng, tuy nhiên cốt lõi cần phải đào tạo nghề, kỹ năng để tăng năng lực của người lao động, giúp họ có khả năng cạnh tranh trên thị trường việc làm; xây dựng chiến lược đa dạng hóa sinh kế cho người dân; xây dựng củng cố mạng lưới tương hỗ (bạn bè) cho các em gái để làm chỗ dựa cho các em khi ra quyết định hôn nhân hoặc những vấn đề nảy sinh sau hôn nhân. Mặt khác, cần đưa vấn đề bạo hành gia đình ra cộng đồng để nhìn nhận và thảo luận rộng rãi, giúp trẻ em có nhận thức đầy đủ về sự phức tạp của việc kết hôn, thay vì nhìn nhận kết hôn một cách đơn giản chỉ là về chung sống với nhau. |