Những con số đau lòngChị Lò Thị N, xã T, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái ở độ tuổi ngoài 30, nhưng nhìn tiều tụy, da xanh rám, ốm yếu như người ngót 50 tuổi. Chồng chị N đã mất vì căn bệnh HIV/AIDS khoảng 5 năm nay, bỏ lại chị và 2 đứa con nhỏ. Khi chồng mất vì HIV/AIDS, chị Lò Thị N vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chồng, tại sao chồng lại bị “con virus ấy giết”. Do không hiểu biết về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chị N đã chẳng mảy may nghĩ đến chuyện phải đi kiểm tra xem mình có lây nhiễm từ chồng không.
Cán bộ y tế cấp thuốc, giám sát điều trị Methadone cho bệnh nhân HIV tại xã biên giới Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Chỉ đến khi thấy sức khỏe ngày càng yếu, đau ốm triền miên, mắt mờ dần thì chị N mới cố gắng thu xếp ra ngoài thành phố Yên Bái để kiểm tra sức khỏe và bắt đầu được điều trị thuốc ARV miễn phí. “Nếu không quyết tâm đi bệnh viện khám thì có lẽ tôi đã “sớm đi theo” chồng rồi”, chị N chia sẻ. Điều đáng nói, khi được hỏi về HIV/AIDS, chị N cho hay rằng, chị đã không biết về căn bệnh HIV/AIDS. Chỉ đến khi đi khám, bắt đầu được các bác sĩ tư vấn điều trị thì chị mới biết được các nguy cơ lây nhiễm và những kiến thức cơ bản trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tình trạng bệnh nhân như chị Lò Thị N không phải là hiếm tại Yên Bái. Không những thế, nhiều trường hợp, chính do sự chủ quan, vô tình đã khiến nhiều người khác bị nhiễm HIV “oan”.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng, đạt những kết quả khả quan trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, song, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn trung bình chung cả nước. Theo báo các từ các tỉnh trong vùng và Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), toàn vùng có 46.333 người nhiễm HIV (chưa tính hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An); trong đó, 24.521 người nhiễm HIV còn sống và 21.812 người đã tử vong do AIDS. Trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 người nhiễm mới và 500 - 800 người tử vong do AIDS, cá biệt nhiều huyện có trên 200 người nhiễm HIV.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, vẫn còn một số địa phương vùng Tây Bắc chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa nỗ lực triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS, còn quá phụ thuộc, trông chờ vào dự án Trung ương hay quốc tế hỗ trợ. Nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn, hiện mới có 8/14 tỉnh đã phê duyệt kinh phí theo Quyết định số 1899/QĐ-TTg, ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”. Trong khi đó, hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế còn rất thấp (mới đạt 35%)…
Có thể nói, Tây Bắc là vùng đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch HIV, với dân số chỉ chiếm hơn 15% cả nước nhưng số người nhiễm HIV hiện còn sống cũng như số người đã tử vong do AIDS chiếm khoảng ¼ trong cả nước. Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ người nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Trong khi các nguy cơ lây nhiễm HIV trong vùng lại rất phức tạp, trình độ dân trí hạn chế, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV còn rất hạn chế. Có thể khẳng định rằng, HIV/AIDS đã trở thành gánh nặng bệnh tật hàng đầu đối với vùng Tây Bắc, mối quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, với đói nghèo, với trình độ dân trí thấp có liên quan trực tiếp đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.
Tăng cường phòng chốngLãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn Tây Bắc; các tỉnh trong vùng cần thống nhất chỉ đạo quyết liệt, đưa mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tiến tới đưa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thành các hoạt động thường xuyên, liên tục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nâng cao nhận thức cán bộ lãnh đạo các cấp về sự cần thiết cũng như sự quan tâm chỉ đạo chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Có biện pháp, cách làm phù hợp để nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào, nhất là người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm đối tượng nhất là nhóm có nguy cơ cao.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho rằng, cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất là các mục tiêu về dự phòng, mục tiêu 90-90-90, Methadone (Mục tiêu 90 - 90 - 90 là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục suốt đời, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định).
Thực hiện tốt công tác điều trị Methadone theo chỉ tiêu Chính phủ đã giao, đồng thời triển khai chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch thông qua hoạt động đồng đẳng và các điểm cố định. Mở rộng các mô hình xét nghiệm tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động, mở rộng điều trị Methadone thông qua điểm cấp phát tại cộng đồng song song với triển khai chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, cấp phát ARV tại các trạm y tế xã. Dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc cần lấy tiêu chí gần dân, thuận tiện nhất cho người dân là quan trọng. Khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị ARV vào các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Các địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cần chủ động phê duyệt sớm. Địa phương đã phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần cân đối ngân sách theo cam kết. Lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào các hệ thống, thiết chế kinh tế - xã hội hiện có, đặc biệt là hệ thống y tế và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, các cuộc vận động quần chúng của các địa phương. Có giải pháp đón đầu về nguồn lực, con người và kinh phí khi không còn được thụ hưởng các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành Trung ương cần tham mưu với Chính phủ để có những chỉ đạo thích hợp với các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Bắc để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng tính chủ động của các địa phương trong việc bố trí ngân sách thích hợp nhằm bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hóa các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đa dạng hóa các nguồn kinh phí trong nước đồng thời tận dụng tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Nghiên cứu lộ trình để tiến tới chuyển nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm y tế. Thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chi phí - hiệu quả.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan đánh giá một cách toàn diện tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn Tây Bắc, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ để có các chế độ, chính sách đặc thù đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS cho các tỉnh trong vùng để tiếp tục từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. |