Theo ông Nguyễn Như Hiến, Phó Văn phòng Cục trồng trọt khu vực phía Nam, các loại cây công nghiệp lâu năm tại khu vực Tây Nguyên đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, mùa khô thường thiếu nước tưới thì việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi là xu thế tất yếu để phát triển bền vững ngành trồng trọt khu vực Tây Nguyên, đặc biệt đối với các cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Thùy Oanh, Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh cho biết, sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm không chỉ giúp nông dân tiết kiệm lượng nước, phân bón, nhân công trong sản xuất mà còn hỗ trợ nông dân chủ động thời điểm tưới, thời điểm bón phân, thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng với nhu cầu của từng loại cây trồng mà không phụ thuộc vào thời tiết. Vì vậy, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm sẽ là xu thế phát triển trong trồng trọt để thích ứng với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước và nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi cần thực hiện các giải pháp như: đẩy nhanh việc nhân rộng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 ha cây trồng cạn của khu vực Tây Nguyên được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;
“Các địa phương cần có giải pháp cụ thể trong phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, triển khai quy hoạch thủy lợi gắn với việc xem xét, chuyển nước, liên kết nguồn nước phục vụ việc tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại các địa phương để người dân học hỏi và áp dụng vào sản xuất…
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp để phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm ứng phó với hạn hán và nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.
Theo thống kê năm 2018, khu vực Tây Nguyên có 622.286 ha cà phê, 91.422 ha hồ tiêu, 246.811 ha cao su, 81.035 ha điều… toàn khu vực Tây Nguyên có 2.360 công trình thủy lợi (1.190 hồ chứa, 970 đập dâng, 130 trạm bơm và 70 công trình khác).