Ổn định chính sách tín dụng vùng Tây Nam Bộ

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển của khu vực Tây Nam Bộ; tập trung nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị trên địa bàn.

Tín hiệu tích cực

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ ra đời đầu năm 2012 trong bối cảnh tín dụng chính sách xã hội trong vùng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Nguồn vốn, dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn liên tục tăng cao, chiếm tới 4,11% tổng dư nợ, gấp gần 2,1 lần tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn hệ thống. Lãi tồn đọng chiếm 1/3 lãi tồn đọng của NHCSXH trong cả nước; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo triển khai chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong quản lý vốn vay. Người dân sử dụng vốn vay manh mún, kém hiệu quả, chưa ý thức được nguyên tắc tín dụng “có vay - có trả”, tư tưởng bao cấp, trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước còn hiện hữu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ.

Đề án với những giải pháp đồng bộ đã tạo nên “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực sau 5 năm tổ chức thực hiện. Đến ngày 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.838 tỷ đồng, với trên 2 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng (tăng 64,5%) so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%. Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện, đến hết năm 2016 tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224.542 triệu đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 410.224 triệu đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án, tất cả 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn. Công tác thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng được chú trọng thực hiện.

Giai đoạn 2012 - 2016 doanh số cho vay đạt 33.393 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 22.225 tỷ đồng (bằng 66,5% doanh số cho vay, tăng 17,5% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án). Tổ tiết kiệm và vay vốn được rà soát, củng cố, kiện toàn và hoạt động dần đi vào nề nếp. Đến 31/12/2016, toàn vùng có 39.593 tổ tiết kiệm và vay vốn, giảm 2.259 tổ so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án. Trong đó có 29.135 tổ xếp loại tốt (chiếm 73,5%), tăng 13.208 tổ so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án; tổ yếu kém còn 1.186 tổ (chiếm 3%), giảm 798 tổ.

Điểm nổi bật trong giai đoạn 2012 - 2016 là hiệu quả việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH. Cùng với sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 453 tỷ đồng (tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40 - CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 936,5 tỷ đồng. Điển hình một số tỉnh, thành phố: Đồng Tháp (208,4 tỷ đồng); Cần Thơ (121,2 tỷ đồng); Long An (99,6 tỷ đồng); An Giang (100 tỷ đồng); Trà Vinh (99 tỷ đồng); Cà Mau (61 tỷ đồng); Sóc Trăng (54,7 tỷ đồng); Kiên Giang (49,6 tỷ đồng)...

Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012 - 2016 tại khu vực Tây Nam Bộ từ 10% (năm 2012) xuống còn 8,46% (năm 2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều; đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 153 xã, 10 tỉnh (năm 2013) xuống còn 93 xã, 8 tỉnh (năm 2016).

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và cấp ủy chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến hoạt động vận động tài trợ an sinh xã hội cho những đối tượng, địa bàn còn nhiều khó khăn. Hưởng ứng chủ trương này, từ năm 2011 đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ hơn 2.800 tỷ đồng an sinh xã hội cho các đối tượng còn nhiều khó khăn trên khắp địa bàn Tây Nam Bộ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đào Minh Tú, những kết quả quan trọng trong hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng nói chung, hoạt động tín dụng chính sách nói riêng và công tác an sinh xã hội của ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong vùng Tây Nam Bộ.

Phát triển theo hướng ổn định

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam khẳng định: Giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nam Bộ là phát triển theo hướng ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Hậu Giang hướng dẫn người dân thực hiện vay vốn để phát triển sản xuất.

Theo đó, NHCSXH phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. Đến năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng (tăng 46%) so với thực hiện năm 2016, tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức mức dưới 1%/tổng dư nợ, hàng năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng. Trên 70% số tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, không có tổ hoạt động yếu kém. Tăng số dư tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tối thiểu đạt 10% mỗi năm...

Để đạt được mục tiêu trên, NHCSXH tiếp tục bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vùng Tây Nam Bộ đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40 - CT/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 401/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 852/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong khu vực; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn. Duy trì, tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của người dân trong quá trình thực thi tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Trong giai đoạn 2012 - 2016, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 2.350 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam Bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động, trong đó, trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó, có trên 20.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL...


Để làm được điều này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các địa phương vùng Tây Nam Bộ cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho NHCSXH hoạt động an toàn, hiệu quả. Hỗ trợ NHCSXH tìm kiếm các nguồn vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay, nhất là các nguồn vốn ủy thác từ các tổ chức quốc tế, nguồn vốn của các địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm... Hoàn thiện và tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, phát huy vai trò của tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong việc tham gia quản lý, hỗ trợ NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng chính sách.


Chỉ đạo NHCSXH lựa chọn triển khai có trọng tâm, trọng điểm các chương trình tín dụng chính sách có nhiều đối tượng thụ hưởng trong vùng, tránh triển khai dàn trải, kém hiệu quả. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém còn lại để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong vùng.

Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:

Chất lượng tín dụng đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa đồng đều 


Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo của khu vực Tây Nam Bộ trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của hệ thống NHCSXH, đáp ứng nguồn vốn rất lớn cho một khu vực còn nhiều khó khăn như Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực. Việc phối hợp với các hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt. Ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng như thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và xâm ngập mặn, dịch bệnh... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng của hộ vay, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Chất lượng tín dụng tuy đã có nhiều chuyển biến tốt nhưng chưa đồng đều, chưa thực sự ổn định và còn thấp với các khu vực khác. 


Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: 

Làm tốt công tác phối hợp 

Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam chủ động và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các cấp, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đẩy mạnh củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, quyết liệt hơn nữa trong công tác thu hồi nợ đến hạn, lãi tồn, nợ chiếm dụng, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn còn dưới 1%, chất lượng tín dụng ngang bằng với bình quân chung cả nước (dự kiến xuống dưới 0,5%). Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt đạt trên 80%, không có tổ xếp loại yếu. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vướng mắc, sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. 


Ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang: 

Thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro 

Trong những tháng cuối năm 2017 chi nhánh tiếp tục tập trung giải ngân kịp thời nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng, trong đó quan tâm thực hiện chương trình cho vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ - TTg. Đồng thời, tăng cường xử lý, thu hồi nợ đến hạn, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng đối với các chương trình tín dụng; chấp hành nghiêm túc định mức quỹ an toàn, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí vốn. Cùng với đó, ngân hàng tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt quan tâm đối với những đơn vị có chất lượng tín dụng chưa ổn định bền vững; thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro. Tiếp tục phối hợp tốt với hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai tập huấn nghiệp vụ cho hội đoàn thể cấp cơ sở, cán bộ ban giảm nghèo, trưởng ấp và ban quản lý tổ nhằm củng cố kiến thức về các quy trình, nghiệp vụ ủy thác của NHCSXH, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cũng như chất lượng ủy thác của hội đoàn thể... 


Bà Kim Thị Thu Hà, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh: 

Ưu tiên những hộ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn

Khi ấp được phân bổ vốn, tôi đã vận động người dân trong ấp có nhu cầu vay vốn tham gia vào tổ, cùng với hội đoàn thể, Ban nhân dân ấp bình xét đối tượng vay vốn đúng theo quy định một cách công khai, dân chủ ưu tiên những hộ khó khăn hơn. Không chia đều, xẻ mỏng đồng vốn được phân bổ mà căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng vốn của tổ viên, tạo điều kiện để các thành viên trong tổ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thuận lợi và nhanh chóng, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của tổ viên. Cùng với công tác vận động, đưa đồng vốn đến với người nghèo, là tổ trưởng Hội phụ nữ quản lý, tôi được tham gia tập huấn về công tác giảm nghèo, quản lý vốn vay; tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến lâm... Trong vòng 30 ngày từ khi ngân hàng giải ngân cho tổ viên, tôi cùng với hội phụ nữ xã tiến hành kiểm tra mục đích sử dụng vốn của từng người, thường xuyên theo dõi và trực tiếp đến từng tổ viên để kiểm tra việc sử dụng vốn, đội viên thăm hỏi... Do đó tất cả các thành viên trong tổ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, vay vốn phát huy hiệu quả.



Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin Tức
Giao ban công tác Mặt trận cụm các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ
Giao ban công tác Mặt trận cụm các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ

Ngày 13/7, tại Bến Tre, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác Mặt trận cụm các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận 6 tháng cuối năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN