Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại cồn Cò thuộc ấp An Tấn, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách), nhiều đoạn kè chân đê tại cù lao bị sóng đánh vỡ, nhiều đoạn đê đã bị vỡ, sạt lở. Nguy hiểm nhất là những hộ dân ở cạnh với chân đê - ngôi nhà của họ có khả năng bị hư hại vào đỉnh điểm của mùa mưa và triều cường sắp tới. Tàu cao tốc thực sự trở thành nỗi ám ảnh với người dân xứ cù lao mỗi khi tàu chạy ngang.
Ông Lê Văn Lừng (ấp An Tấn, xã An Lạc Tây) than thở: Từ ngày tàu cao tốc được phép chạy tới nay, không chỉ đất ven bờ sông bị sạt lở mà các hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá như ông cũng nơm nớp lo sợ bởi tàu chạy với tốc độ quá nhanh sẽ gây sóng lớn đánh chìm xuồng, các dụng cụ đánh bắt thủy sản như lưới cũng hư hỏng nặng. Ông chỉ còn cách canh giờ tàu chạy ngang để bảo vệ ngư cụ.
Cùng với tâm trạng bức xúc, ông Lê Văn Chăn (cồn Cò, ấp An Tấn) trải lòng: “Tôi làm nghề trồng vườn và mua bán trái cây nên thường xuyên chuyển nông sản qua sông. Tôi phải chờ cho tàu chạy qua mới dám vận chuyển trái cây từ cồn vào bờ cho an toàn vì sợ sóng to sẽ làm chìm xuồng”.
Ông Lê Văn Chăn cho biết thêm, ông sống ở cồn Cò gần 40 năm, chứng kiến nhiều tàu thuyền qua đây nhưng không phương tiện nào tạo sóng bằng tàu cao tốc. Nhiều bà con nơi đây rất lo lắng, lúc nào cũng sống thấp thỏm, sợ khu vực đất cồn sẽ ngày càng bị sạt lở nhiều thêm. Đến nay, nhiều nhà có điều kiện và có vườn trong đất liền đã chuyển đi, không còn ở cồn nữa. Các hộ không có điều kiện vẫn cứ bám trụ, sống tới đâu hay tới đó vì không biết chuyển đi đâu. Người dân rất mong cơ quan chức năng sớm tìm được cách giải quyết cho ổn thỏa vấn đề này.
Ngày 23/7/2020 Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách gửi công văn tới Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng đề nghị xác minh thông tin liên quan đến những ảnh hưởng do tàu cao tốc Côn Đảo Express gây ra trên địa bàn các xã ven sông Hậu và các xã đảo Phong Nẫm. Chính quyền huyện Kế Sách mong Sở Giao thông Vận tải sớm có giải pháp giải quyết vụ việc.
Qua xác minh, phóng viên nhận thấy, cả hai ấp An Tấn và An Công trên cù lao sông Hậu (thuộc địa bàn xã An Lạc Tây trong những năm qua đã chịu cảnh sạt lở nghiêm trọng ở các tuyến đê do triều cường. Huyện Kế Sách đã bố trí nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư kè đá bảo vệ chân đê.
Tuy nhiên, từ khi tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo bắt đầu hoạt động, các công trình bảo vệ đê không còn tác dụng. Các chuyến tàu cao tốc đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Cụ thể, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài khoảng 1.500 mét; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện; có 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi. Một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở. Người dân phải tự gia cố đê bao để bảo vệ tài sản...
Ngoài ra, trên địa bàn xã đảo Phong Nẫm cũng ghi nhận nhiều tuyến đê bị sạt lở do hoạt động của tàu cao tốc Côn Đảo Express gây ra. Đặc biệt, trong thời gian tới, tàu cao tốc Mai Linh Express tuyến Cần Thơ - Côn Đảo sẽ hoạt động, lúc đó các xã ven sông Hậu, xã đảo và các ấp cù lao trên sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách sẽ phải gánh chịu tác động nghiêm trọng hơn nữa.
Theo Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), tuyến tàu cao tốc Côn Đảo Express lưu thông trên tuyến hàng hải nên không thuộc quyền xử lý của lực lượng giao thông địa phương.
Ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng cho biết: Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo do Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc khai thác; được Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (tuyến từ Cần Thơ đi Trần Đề) và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (tuyến từ Trần Đề đi Côn Đảo) cấp phép.
Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng đã đề xuất việc tổ chức cuộc một họp giữa các cơ quan liên quan và Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng đề nghị Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc có văn bản giải trình về việc tàu cao tốc của công ty gây mất an toàn giao thông đường thủy, gây sạt lở tại hai Kế Sách và Cù Lao Dung.
Côn Đảo Express là tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam. Tuyến Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo bắt đầu phục vụ người dân và du khách chuyến đầu tiên từ ngày 11/12/2019, khởi hành từ Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) và chạy đến cảng Bến Đầm (Côn Đảo).
Trong văn bản giải trình gửi Sở Giao thông Vận tải Sóc Trăng ngày 20/7/2020, Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc cho rằng, luồng sông Hậu là một trong những luồng dành cho tàu, thuyền rộng nhất Việt Nam, luồng có chiều rộng lên đến hàng nghìn mét, chỗ hẹp nhất cũng vài trăm mét. Đây là luồng đang đón trả các tàu có lượng giãn nước 200 nghìn tấn. Như vậy, với độ rộng tại luồng sông Hậu, lượng giãn nước 250 tấn của tàu công ty đang hoạt động không thể gây tác hại đáng kể.
Theo Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc, tàu cao tốc khởi hành từ Cần Thơ về Trần Đề và ngược lại với thời gian 2 giờ, tốc độ trung bình khoảng 20 hải lý/giờ (tương đương 37 km/giờ). Như vậy, tàu chỉ hoạt động bằng 70% công suất thiết kế, do đó ảnh hưởng của sóng do tàu gây ra đối với bờ sông và các cù lao trên sông là không lớn.
Tuy nhiên, người dân địa phương lại có suy nghĩ khác. Trong những tháng tới, khi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng bước vào đỉnh điểm của mùa mưa bão 2020, triều cường sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, mực nước của sông Hậu dâng cao hơn, mức độ gây ảnh hưởng của sóng nước nhanh hơn và khó kiểm soát hơn. Thêm vào đó là sóng do tàu cao tốc gây ra. Cả thiên tai lẫn "nhân tai" cộng lại sẽ đe dọa tới sự an toàn tính mạng, tài sản, đời sống của người dân trên các cù lao sông Hậu thuộc địa bàn Sóc Trăng!