Tận dụng đối đa nguồn lực
Huyện vùng cao biên giới Nậm Nhùn là 1 trong 56 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ. Toàn huyện có 11 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. Đặc biệt, Nậm Nhùn là huyện mới thành lập vào năm 2012, sau khi chia tách từ huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ. Nậm Nhùn gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, khó khăn lớn nhất là đời sống của nhân dân còn nhiều thiếu thốn, bởi hầu hết họ đều nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới. Cùng với đó, hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư.
Trước thực tế ấy, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, đề án 3 dân tộc và các chính sách khác nhằm hỗ trợ cho người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trong việc phát triển kinh tế xã hội. Điều này giúp nhân dân có thêm nguồn lực và dần được tiếp cận với khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Nậm Nhùn đã nỗ lực mọi nguồn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Lai Châu để ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế mới. Đồng thời, giúp người dân sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả theo đúng định hướng phát triển kinh tế chung của tỉnh và Trung ương.
Mặt khác, huyện Nậm Nhùn cũng quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế, chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, với quy mô lớn; hình thành mô hình nuôi thuỷ sản trên lòng hồ thuỷ điện; liên kết các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giai đoạn 2016-2020, huyện Nậm Nhùn có trên 566,8 tỷ đồng nguồn vốn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó chương trình 30a gần 256,3 tỷ đồng. Nguồn vốn này nhằm xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, trường học; hỗ trợ về tiền điện, tiền học, mua bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân và nhân rộng mô hình giảm nghèo; trong đó chủ yếu hỗ trợ các giống cây, con giống, máy móc thiết bị, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế.
Ngoài ra, huyện Nậm Nhùn cũng chú trọng nâng cao công tác đào tạo nghề; hàng năm tổ chức đào tạo nghề cho trên 400 lao động nông thôn, dự kiến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 47,2%, tăng 11,3% so với năm 2016.
Cùng đó, phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Lai Châu, các công ty, doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 400 lao động tại địa phương; phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động tuyển dụng 18 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thúc đẩy giảm nghèo bền vững
Nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Nhùn từng bước nâng cao ý thức, vươn lên thoát nghèo. Người dân bước đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, chuyển hình thức tự cung tự cấp sang hình thức sản xuất hàng hóa; đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế như: cây xoài, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản dưới lòng hồ thủy điện…
Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ mà công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, cuộc sống người dân ngày được cải thiện rõ rệt, thu nhập ngày càng tăng.
Hết năm 2019 thu nhập của người dân trên địa bàn huyện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm trung bình trên 5% (dự kiến giảm từ 45,86% năm 2016 xuống còn 19,66% năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm khá cao so với mặt bằng chung của các huyện nghèo. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho 4 xã của huyện thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, điển hình xã Mường Mô.
Xã Mường Mô - một trong 3 xã đầu tiên của huyện Nậm Nhùn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Toàn xã có 7 dân tộc sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 99%; trong đó, người Thái và Khơ Mú chiếm đa số. Nhiều năm qua, xã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 30a, Chương trình 135 đã giúp người dân thay đổi cuộc sống.
Ông Trần Anh Đôn, Chủ tịch UBND xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho hay, các chính sách hỗ trợ đã giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây, con có giá trị kinh tế, trong đó xã tập trung chăn nuôi đại gia súc và hướng đến phát triển rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Từ đó, tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,01%.
Gia đình ông Mào Văn Dũng, dân tộc Thái ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn được hỗ trợ 70 cây giống xoài Đài Loan vào năm 2019, sau hơn 1 năm trồng cây xoài hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Dũng chia sẻ, nếu không được sự hỗ trợ về cây giống, phân bón ông cũng không bao giờ đầu tư vào loại cây này, bởi vì giống cây rất cao mà điều kiện kinh tế không cho phép. Ông Dũng hy vọng rằng những cây xoài này sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, các chính sách giảm nghèo đã đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống; các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin… cơ bản được đáp ứng. Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo.
Lãnh đạo UBND huyện Nậm Nhùn chia sẻ, thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, có ý thức tự vươn lên, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng các dân tộc. Huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho người dân, đặc biệt việc hỗ trợ các cây, con giống; phối hợp sở ngành của tỉnh để chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả, giá trị kinh tế cao và khuyến khích người dân chăn nuôi gia súc để mang lại hiệu quả kinh tế.
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nậm Nhùn phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm từ 2% trở lên, thu nhập bình quân đầu người hết năm 2025 đạt 39 triệu đồng trở lên; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và sớm đưa Nậm Nhùn ra khỏi diện kém phát triển.