Nhiều chính sách giúp bà con vùng biên thoát nghèo bền vững

Trong những năm vừa qua, huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống.

Chú thích ảnh
Một dãy chuồng nuôi với hàng trăm con dê của một hộ dân xã Tân Thành, huyện Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh tư liệu: Sỹ Tuyên/TTXVN

Từ các nguồn lực, huyện Bù Đốp chú trọng xóa đói giảm nghèo và chống tái nghèo trở lại. Theo Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đốp Nguyễn Thị Năm, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đã tận dụng tốt các nguồn hỗ trợ giúp các hộ thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững không tái nghèo trở lại. Địa phương luôn quan tâm nắm bắt tình hình thực tế về hoàn cảnh của từng gia đình nghèo; từ đó sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp để họ có đủ điều kiện phát triển sản xuất.

Gia đình bà Hoàng Thị Trang (người dân tộc Tày ở ấp Tân An, xã Tân Tiến) là hộ nghèo chỉ có 0,2 ha đất sản xuất. Nguồn thu nhập chính của gia đình nhờ đi làm thuê nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2019, gia đình bà Trang được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Đốp cho vay vốn với số tiền 60 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn đó, gia đình bà quyết định mua dê nuôi nhốt. Năm 2021, bà Trang tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò giống. Mảnh đất nhỏ ít ỏi đã trở thành nguồn cung cấp thức ăn cho đàn dê và bò. Bà Hoàng Thị Trang cho biết, từ khi được Nhà nước hỗ trợ có vốn để nuôi đàn dê, bò, đời sống gia đình bà đã ổn định hơn trước. Gia đình sẽ cố gắng làm ăn để không tái nghèo trở lại.

Hộ ông Kim Dương (người dân tộc Khmer ở ấp 6, xã Hưng Phước) đến nay đã thoát nghèo bền vững. Trước đó, năm 2019, gia đình ông Dương được hỗ trợ xây căn nhà tình thương trị giá 120 triệu đồng. Sau khi có căn nhà ở khang trang, gia đình ông còn được hỗ trợ từ nguồn vay vốn chính sách 50 triệu đồng để đầu tư, chăm sóc 0,5 ha điều và 0,3 ha hồ tiêu. Ngoài ra, gia đình ông còn được hỗ trợ thêm máy cưa để đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, năm 2021, gia đình ông Dương đã thoát nghèo. Để chống tái nghèo, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ ông 2 cặp bò giống từ chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh. Ông Kim Dương vui mừng cho biết, trước đây, gia đình ông nghèo do không có vốn để đầu tư sản xuất. Được Nhà nước hỗ trợ, gia đình ông không còn khó khăn như trước.

Nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện biên giới Bù Đốp đã vươn lên thoát nghèo, thoát nghèo bền vững nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó, năm 2022, huyện Bù Đốp đã giảm được 316 hộ nghèo, vượt 6% kế hoạch; trong đó có 60 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đó, năm 2021, huyện cũng giảm được 227 hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Nguyễn Minh Phong cho biết, để thực hiện chương trình giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, huyện đã huy động tất cả các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân thoát nghèo. Trong đó, địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự vào của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực từ các hộ được thụ hưởng, công tác giảm nghèo trên địa bàn thời gian qua luôn đạt kết quả tốt. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn 2,53%. Năm 2023, huyện tiếp tục phấn đấu giảm thêm 272 hộ nghèo.

K GỬIH (TTXVN)
Điểm tựa cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững
Điểm tựa cho nhiều gia đình thoát nghèo bền vững

Từ thực tiễn tại Tây Ninh, hoạt động tín dụng chính sách theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã phát triển vững mạnh và ngày càng có hiệu quả, chuyển tải kịp thời vốn tín dụng chính sách xã hội tới các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN