Nguồn vốn để "an cư, lạc nghiệp"

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Gia Lai là một trong những "kênh" quan trọng trong công tác an sinh xã hội, góp phần "xóa đói giảm nghèo" trong cộng đồng.


Là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai có dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó có đến 45% số dân là người dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc bản địa người J'rai và Bahnar. Toàn tỉnh có 222 xã, phường, thị trấn với hơn 2.000 thôn, làng trải dài trên vùng đất đỏ bazan rộng hơn 15.000 km2, trong đó có khoảng 1.000 buôn làng của người J'rai và Bahnar đã được tổ chức định canh định cư từ sau ngày giải phóng. Cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đang ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, mức sống của người dân ở các buôn làng đồng bào dân tộc hiện còn ở mức thấp, còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm mạnh, bình quân mỗi năm giảm vài ba ngàn hộ và hiện còn khoảng 13% hộ nghèo, nhưng trong đó số hộ nghèo là người dân tộc chiếm hơn 85% trong số 13% hộ nghèo của toàn tỉnh.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng huyện biên giới Ia Grai tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con nghèo vay vốn.

Nguồn vốn chính sách là một trong những yếu tố cần thiết giúp hộ nghèo vay để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ông Lê Văn Chí, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai cho rằng, dẫu có gian nan, vất vả song bằng mọi giá cũng phải sớm đưa đồng vốn vay đến với hộ nghèo và đạt hiệu quả cao trong quá trình sử dụng. Trong thời gian từ nay đến 30/9/2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai phấn đấu đạt doanh số cho hộ nghèo vay khoảng 85 tỷ đồng, nâng tổng mức dư nợ lên 3.075 tỷ đồng với gần 140.000 khách hàng vay vốn. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cho vay hàng trăm tỷ đồng góp phần giúp 9.000 lượt hộ nghèo và hơn 6.000 hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động, tạo điều kiện cho gần 1.000 học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng hơn 10.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Các hộ nghèo trên địa bàn Gia Lai được vay vốn từ nguồn vốn chính sách đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, chủ yếu tập trung phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi đúng hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ nghèo được vay vốn đã có đủ điều kiện thoát nghèo bền vững, không ít hộ vươn lên làm giàu nhanh sau khi đã thoát nghèo. Điển hình là gia đình chị Siu H'Bil, người dân tộc J'rai ở làng Mooc Trang, xã Ia Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ. Qua 3 lần vay vốn với tổng số tiền 40 triệu đồng, chị Siu H'Bil mua bò sinh sản để phát triển, từ chỗ chỉ có một con nay trong chuồng nhà chị Siu H'Bil đã có 8 con. 

Có tiền, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm một ha điều, một ha mỳ và năm sào lúa nước 2 vụ... tính ra gia đình chị có tổng mức thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó là gia đình anh Đinh Êm, người dân tộc Bahnar, thôn 1, xã Đông, huyện K'Bang cũng đã thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách để mua bò lai shind và trồng mía cao sản. Nhờ đó gia đình anh nay đã trở thành một trong những hộ thuộc diện khá giả trong làng, anh Đinh Êm cho biết: Trước đây, nhà mình nghèo lắm bởi không biết cách làm ăn và hơn thế nữa là không có tiền, nhà có 5 miệng ăn nhưng 2 vợ chồng làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2011, mình được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội và vay được 20 triệu đồng mua bò về nuôi, cải tạo đất để trồng 2 ha mía... Sau hai năm nhà mình đã thoát nghèo và hiện đang có tổng mức thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi khoảng 80 triệu đồng mỗi năm.

Để đạt được kết quả về công tác tín dụng đối với hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn tỉnh đã coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ tín dụng có trình độ, kỹ năng và tâm huyết với nghề, coi đây là "chiếc cầu nối" giữa đồng vốn ngân hàng với người nghèo. Toàn đơn vị hiện có 186 cán bộ nhân viên, trong đó có hơn 50% quân số được bố trí làm công tác tín dụng trực tiếp tại cơ sở. Bình quân mỗi cán bộ tín dụng phụ trách từ 3 - 4 xã, có những xã nằm ở địa bàn xa trung tâm huyện lỵ đến 40 - 50 km và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, nhất là trong điều kiện thời tiết vào mùa mưa. Hơn 95% số cán bộ tín dụng của đơn vị đều có trình độ đại học được "phủ kín" đến tận các xã trong tỉnh và luôn hoạt động có hiệu quả.

Mười năm trở về trước, Kon Pne được coi là "vùng trắng" vì không có hộ vay vốn ngân hàng. Năm 2003 chỉ có 3 hộ vay với dư nợ tín dụng 17 triệu đồng, đến năm 2014 đã tăng lên 95 hộ với tổng dư nợ gần 1 tỷ đồng. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đức Cơ, chị được đơn vị phân công phụ trách 4 xã với hơn 40 buôn làng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó có xã Ia Lang xa nhất cách trung tâm huyện lỵ đến hơn 30 km. Gần như cả tháng chị đều có mặt tại cơ sở, lúc thì ở xã này, lúc về xã khác, chị đi lại như con thoi và ít khi được ngơi nghỉ kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật. Với tinh thần và trách nhiệm cao, chị Thảo luôn gắn bó với người nghèo, không những tiếp cận để cho bà con nghèo vay vốn mà còn hướng dẫn và giám sát trong quá trình thực hiện vốn vay của hộ nghèo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Chị Thảo cho biết: Mình rất vui khi có nhiều hộ nghèo trên địa bàn phụ trách được vay vốn chính sách, song vui hơn khi nhìn thấy bà con sử dụng đồng vốn có hiệu quả và mang lại nguồn lợi cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống ổn định.
Bài và ảnh: Văn Thông
Tiếp tục nâng cao chất lượng  tín dụng chính sách
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Từ những kết quả và kinh nghiệm qua việc thực hiện Đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh vùng Tây Nguyên cho thấy khi có sự phối hợp chỉ đạo, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN