Tỷ lệ nợ quá hạn giảm nhanh
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đến cuối tháng 10/2015 đạt trên 16.278 tỷ đồng, với gần 700.000 hộ đồng bào các dân tộc còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2012, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%. Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 15.564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,6% trên tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,4% trên tổng dư nợ.
Gia đình chị Cil Múp K Chương, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng vay vốn phát triển nghề thổ cẩm. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào các chương trình, trong đó có 260.000 hộ nghèo vay với số tiền 5.027 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng dư nợ, bình quân mỗi hộ vay 19,3 triệu đồng. Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên 138.000 hộ, bình quân mỗi hộ vay 22,5 triệu đồng; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với gần 102.000 hộ với số tiền giải ngân trên 2.351 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,4%, bình quân mỗi hộ vay 23,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, các NHCSXH trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã cho 108.000 hộ cận nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất, bình quân mỗi hộ được vay gần 23 triệu đồng và cho vay các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo, đồng bào dân tộc nghèo ở các địa bàn vùng khó khăn xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm…
Trong 3 năm qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nguyên, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. NHCSXH đã tập trung kiểm tra, rà soát, phân loại các xã, huyện có tỷ lệ quá hạn trên 2% để lập đề án, phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với các chi nhánh như Kon Tum, Phú Yên, Ninh Thuận có tỷ lệ nợ quá hạn lớn, Tổng Giám đốc đã chỉ đạo từng chi nhánh xây dựng đề án củng cố và chịu sự kiểm soát riêng của Ban chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH Trung ương.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. |
Đồng thời, giao Giám đốc chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh và Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện, thị xã, thành phố rà soát tình hình chất lượng dư nợ và tổ chức xây dựng đề án củng cố đối với các địa phương có nợ quá hạn trên 2%... Với sự chỉ đạo quyết liệt và bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến ngày 31/10/2015, chất lượng tín dụng chính sách của vùng Tây Nguyên đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, nợ quá hạn toàn vùng Tây Nguyên là 65,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH là 0,01%. Tất cả 12/12 chi nhánh trong vùng đều có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Thậm chí, nhiều huyện miền núi và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên có chất lượng tín dụng ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn thấp như Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk…
Góp phần giảm nghèo
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đã có trên 1.185.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 121.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 34.000 lao động, giúp gần 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập, xây dựng gần 312 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn và hơn 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011- 2015, giảm từ 18,92% năm 2011 xuống còn 11,22% năm 2014.
Các tổ chức đoàn thể của NHCSXH trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay đã tập trung các hoạt động của mình hướng về các huyện nghèo của vùng Tây Nguyên. NHCSXH đã trích Quỹ An sinh xã hội với số tiền trên 6.866 triệu đồng để thực hiện các hoạt động ủng hộ đối với một số địa phương nghèo tại khu vực như xây dựng nhà trẻ, xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng nhà tình nghĩa tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo Lãnh đạo NHCSXH Việt Nam, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên trong những năm tới vẫn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, với các mục tiêu cụ thể như: 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Các NHCSXH vùng Tây Nguyên phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm đạt từ 10 - 12%, bao gồm vốn Trung ương và nguồn vốn địa phương (cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung hàng năm của cả nước), phấn đấu năm 2015 và những năm tiếp theo, tỷ lệ nợ quá hạn của vùng Tây Nguyên ổn định ở mức 0,4%, mỗi năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng, không còn tổ tiết kiệm, vay vốn yếu kém…
Lãnh đạo NHCSXH Việt Nam cũng kiến nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở cơ sở cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư… Với hoạt động tín dụng chính sách, bồi dưỡng, kiến thức sản xuất, kinh doanh cho người vay vốn nhằm sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, góp phần thoát nghèo bền vững để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn vùng Tây Nguyên.