Người miền Tây hợp sức đẩy lùi dịch bệnh - Bài 1: Xã hội chung tay đánh bay COVID

Trong đợt dịch lần thứ 4, làn sóng COVID-19 đã bùng phát và lan nhanh ra các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Đến nay, 13/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều đã ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, các tỉnh, thành tại khu vực này đang dốc toàn lực để ngăn chặn, khống chế dịch. Tất cả các lực lượng chống dịch từ tuyến đầu tới hậu phương đều đang nỗ lực hết sức mình để vừa ngăn dịch bệnh, vừa đảm bảo sự an toàn và cuộc sống ổn định cho người dân.

Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu chùm 3 bài viết về chủ đề “Người miền Tây hợp sức, đồng lòng đẩy lùi dịch, bệnh”đăng phát ngày 26/7).
 
Bài 1: Xã hội chung tay đánh bay COVID
 
Hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh COVID-19" của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều đoàn thể, tổ chức, cá nhân, từ các cụ cao niên đến các thanh niên áo xanh tình nguyện, không ai bảo ai tự nguyện trích góp công - góp của, chung sức để quê hương, đất nước có được nguồn lực bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sẵn sàng ứng phó với “giặc COVID-19” đang diễn biến phức tạp.
 
Góp tấm lòng ủng hộ 

Chú thích ảnh
Xe vận chuyển hàng nông sản của tỉnh Bến Tre hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị xuất phát tại Hội Nông dân tỉnh Bến Tre. Ảnh Công Trí/TTXVN

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 16/7, địa phương đã tiếp nhận ủng hộ trên 28,6 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm như: gạo, mì gói, sữa... của trên 575 tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh.
 
Với phương châm “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, khi hay thông tin người dân Thành phố Hồ Chí Minh cần nguồn thực phẩm trong những ngày giãn cách, ngay sau khi thu hoạch, ông Nguyễn Văn Hùng, thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú cùng các nông dân đã ủng hộ hơn 3 tấn khoai mì (giá trị khoảng 15 triệu đồng) để gửi tặng đồng bào an tâm chống dịch COVID-19. Ông Hùng chia sẻ, “của ít lòng nhiều”, gia đình và bà con “có gì góp nấy” để chung tay cùng người dân ở thành phố mang tên Bác vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh đang hoành hành và trở lại cuộc sống bình thường. Dự kiến, trong vụ tiếp theo, gia đình ông sẽ mua các hạt giống rau muống, cải xanh, cải ngọt về trồng trên diện tích 1.200m2 để nhanh chóng ủng hộ các khu cách ly, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tập kết hàng nông sản của tỉnh Bến Tre hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh tại Hội Nông dân tỉnh Bến Tre. Ảnh Công Trí/TTXVN

Phát huy tinh thần tương ái “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Dược Mỹ Phẩm Sa Sâm Việt ở thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cũng hỗ trợ nhu yếu phẩm (mì gói, gạo, nước tương…) và các sản phẩm kháng khuẩn, nâng cao sức khỏe hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh, các chốt kiểm soát, bà con tại các khu cách ly,…. giá trị hơn 6,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng ủng hộ 150 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre. Ông Phù Tường Nguyên Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Dược Mỹ Phẩm Sa Sâm Việt chia sẻ, với sự bùng phát trở lại lần thứ tư, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp. Đứng trước những khó khăn chung của đất nước và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công ty cảm thấy phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa với xã hội, với công tác phòng, chống dịch. Chỉ khi đẩy lùi dịch bệnh, người dân mới có cuộc sống ổn định, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
 
Tại Đồng Tháp, một trong những nơi đang là “điểm nóng” của dịch COVID -19, hình ảnh cụ bà, cụ ông dành dụm khoản lương hưu hay những học sinh “mổ lợn” tiết kiệm mang tiền đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương ủng hộ vào quỹ phòng, chống dịch COVID-19 đã được lan tỏa như những hình ảnh đẹp đối với người dân đất sen hồng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Cụ ông Nguyễn Văn Khai (100 tuổi) ở thị trấn Mỹ Thọ đã dành trọn số tiền 5 triệu đồng (bao gồm tiền tiết kiệm và tiền mừng thọ của con cháu) để ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Cụ Khai bày tỏ tâm niệm, sống phải vì dân tộc, vì đồng bào. Trong thời điểm cấp bách để chống dịch, cụ ông mong muốn đóng góp chút tấm lòng cùng Đảng và Nhà nước chung tay trong công tác chống dịch, để đất nước sớm có vaccine, tiêm ngừa cho toàn thể nhân dân. Với tinh thần mỗi người đóng góp một ít, tích tiểu thành đại, chúng ta sẽ chiến thắng dịch COVID-19, sức khỏe cho người dân sẽ được đảm bảo - cụ Khai tin tưởng.

Mặc dù còn rất nhỏ, nhưng đã ý thức về hiểm họa của dịch COVID-19, không chần chừ, Nguyễn Quốc Minh Khuê - học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh đã “mổ lợn” tiết kiệm suốt năm qua. Chia sẻ với phóng viên, Khuê nhắc về 5 điều Bác Hồ dạy, đối với em, ngoài việc “học tập tốt, lao động tốt”, mỗi cá nhân cần phải biết “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” và biết “đoàn kết tốt”, biết chia sẻ, chung sức với mọi người khi cần. Khuê mong muốn số tiền này sẽ được góp vào nguồn quỹ mua vaccine phòng dịch COVID-19 để các em có thể sớm đến trường học tập an toàn.
 
Ông Lê Thành Công - Trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, tính đến ngày 23/7, Đồng Tháp tiếp nhận gần 30 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, cùng các nhu yếu phẩm trị giá hơn 5 tỷ đồng. Đây là sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, cá nhân và đặc biệt là có sự đóng góp của nhiều cụ cao niên, các em học sinh trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thành Công bày tỏ, số tiền các cụ, các em nhỏ đóng góp tuy không nhiều nhưng đây là số tiền tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng nên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh rất trân quý, bởi qua đó đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao, tấm lòng nhân ái, rất đáng được biểu dương. Hy vọng những hành động vì cộng đồng này sẽ được nhân rộng trong xã hội nhằm chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19.
 
Ý thức và trách nhiệm cộng đồng

 
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cấp bộ Đoàn trong nhiều tỉnh, thành đã chủ động, kịp thời và triển khai thành lập, kích hoạt, vận hành các đội hình tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại địa phương trong tư thế sẵn sàng, nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Đội hình "shipper áo xanh" phường 11, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) giúp nông dân trên địa bàn tiêu thụ 200 kg nông sản (dưa leo). Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Đã hơn một tháng gắn bó với công việc trực tại chốt kiểm soát số 3 tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) Nguyễn Hữu Thông cho biết, ban đầu khi nhận nhiệm vụ thì chỉ nghĩ công việc cũng chỉ đơn giản như những việc tình nguyện trước đây nhưng khi bước vào thực hiện thì mới thấy khó khăn, cần sự tập trung cao độ, không thể lơ là. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các lực lượng phải luôn đảm bảo an toàn cho bản thân, cho những người “đồng đội” và nhân dân. Mỗi người góp một phần nhỏ để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát ở cửa ngõ này để phát hiện những trường hợp nghi ngờ có liên quan đên dịch COVID-19, kịp thời xử lý, không để lây lan. 
 
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu, trong những ngày qua, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 diễn biến phức tạp, bằng sức trẻ của mình, hơn 500 đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên đã có mặt ở hầu hết các “mặt trận” chống dịch. Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Huỳnh Thu cho biết: “Trước khi các bạn tham gia công tác phòng, chống dịch dù ở tuyến đầu hay hậu phương thì đều được trao đổi, hướng dẫn về kỹ năng tham gia. Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng đoàn viên không chỉ phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, hỗ trợ hoạt động phòng, chống dịch mà phải biết tự bảo vệ bản thân và cộng đồng để đảm bảo sức khỏe tham gia lâu dài cho hoạt động này”.
 
Song song đó, phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có sự chủ động trong thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, hướng về cộng đồng trong tình hình giãn cách xã hội. Đến nay, Tỉnh Đoàn đã vận động hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, các cấp bộ đoàn vận động hàng ngàn phần quà hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Qua thực hiện, nhiều mô hình hoạt động của đoàn đã tương trợ kịp thời cho người dân, tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia như: Mô hình "Gian hàng 0 đồng", thanh niên freeship, chuyến xe nghĩa tình…
 
Để hỗ trợ người dân khó khăn, người bán vé số, hàng rong, Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh Bến Tre đã đưa vào hoạt động “Siêu thị 0 đồng”. Các món hàng gồm các loại thực phẩm như: gạo, mì gói, trứng, sữa, đồ hộp, rau củ quả, trái cây, các nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay… nhiều mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân đã cùng quyên góp, hỗ trợ.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Bến Tre Lâm Như Quỳnh cho biết, “Siêu thị 0 đồng” mở ra để giúp mọi người, đặc biệt là người yếu thế cảm thấy ấm lòng trong mùa dịch bệnh. Tuy 0 đồng nhưng các thực phẩm đều được gói cẩn thận và chia thành nhiều phần nhỏ. Không ai bảo ai, nhưng mỗi người đều biết ý và chỉ lấy những thứ thật cần thiết cho một ngày, còn nhiều hộ dân khác đang ở sau mình cũng chờ nhận thực phẩm để lo từng bữa ăn trong ngày.
 
Để nâng cao năng lực xét nghiệm tại các cơ sở y tế, tỉnh Đoàn Đồng Tháp đã quyết định huy động sinh viên đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh để thành lập ngay đội hình hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19 tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 50 đoàn viên. Anh Huỳnh Thanh Thương - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Đồng Tháp, Đội trưởng đội hỗ trợ công tác xét nghiệm COVID-19 cho biết, nhiệm vụ của các thành viên là hỗ trợ nhập dữ liệu và sắp xếp tài liệu các mẫu test, thông tin truy vết với các trường hợp có liên quan đến ca F0, vẽ bản đồ dịch bệnh. Công việc lúc đầu còn bỡ ngỡ nhưng được hướng dẫn và phân chia phù hợp với trình độ, khả năng nên ngày càng “chạy việc”.
 
Công việc này sẽ hỗ trợ đội ngũ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ, đưa ra kết quả xét nghiệm sớm và chính xác, từ đó giúp địa phương nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm kiểm soát được địa bàn. Do vậy, ngoài tinh thần hăng hái, xung kích, còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao. Hiện tại, đội cũng đã xây dựng lực lượng dự phòng với khoảng 60 – 70 đoàn viên sẵn sàng lên đường hỗ trợ khi cần, với tinh thần góp sức trẻ vì sức khỏe cộng đồng, “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Thanh Thương chia sẻ.
 
Đến nay, Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đã thành lập 240 đội hình phòng tuyến áo xanh, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, với trên 2.000 thanh niên tình nguyện tham gia; 57 đội hình với trên 410 thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19; 7 đội hình với trên 140 tình nguyện viên hỗ trợ các khu cách ly tập trung;…
  
Tiếp bài 2: Nghĩa tình trong mùa dịch

Phúc Hậu - Lê Thúy Hằng - Chương Đài (TTXVN)
F0 khi gặp 6 triệu chứng này cần gọi ngay cho nhân viên y tế
F0 khi gặp 6 triệu chứng này cần gọi ngay cho nhân viên y tế

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), với F0 đang ở bệnh viện thu dung hay đang được cách ly tại địa phương hoặc tại nhà, điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi các triệu chứng; một khi gặp 6 triệu chứng sau thì cần báo ngay cho cơ quan y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN