Người dân vùng An toàn khu phát huy truyền thống thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội

Sau hai lần được Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu, đến nay Kiên Giang có 24 xã, thị trấn An toàn khu và liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây chính là niềm vinh dự, tự hào đối với các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương về quá khứ hào hùng, nuôi dưỡng cách mạng.

Chú thích ảnh
Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Phong Đông là một trong 15 xã, thị trấn vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định công nhận xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vào ngày 30/8/2023.

Về lại xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận trong một ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay da đổi thịt của vùng quê nơi đây. Nhiều căn nhà khang trang nằm dọc bên những con đường bê tông thẳng tắp. Nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán tôm giống, thức ăn có quy mô lớn cũng mọc lên để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân địa phương.

Ông Trần Quý Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết, trước năm 2010, Phong Đông là xã nghèo thuộc vùng sâu của tỉnh Kiên Giang với gần 20% hộ nghèo. Hạ tầng giao thông, trường, trạm là những cơ sở hoạt động tạm thời. Thế nhưng, sau năm 2011, khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của xã không ngừng khởi sắc. Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Đông, người dân trong xã phát triển kinh tế chủ yếu từ mô hình sản xuất lúa - tôm, tiểu thủ công nghiệp, mua bán và sản xuất nhỏ. Thu nhập bình đầu người cuối năm 2022 đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Đến nay, gần 1.600 hộ dân trên địa bàn xã sử dụng điện lưới quốc gia, đạt trên 99%. Trên 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

“Xã Phong Đông hiện có trên 300 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với đó, di tích “Tập kết 200 ngày đêm” cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân, là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống để các thế hệ người dân trong xã ra sức thi đua trong học tập, lao động và làm việc. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đều được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đưa kinh tế, xã hội của địa phương không ngừng phát triển”, ông Trần Quý Dân khẳng định.

Ông Trần Quý Dân cũng cho biết thêm, nơi “Tập kết 200 ngày đêm” ở Vàm Chắc Băng là nơi diễn ra cuộc tập kết 200 ngày đêm để đưa cán bộ tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Đây chính là nơi lưu dấu lịch sử, đáng được giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về quá trình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta.

Ông Phạm Văn Ước, thương binh ở ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông chia sẻ, ông rất tự hào vì quê hương có sự kiện “Tập kết 200 ngày đêm” và càng phấn khởi hơn khi xã được công nhận là xã An toàn khu. Ông Phạm Văn Ước cũng có hai người anh tập kết ra Bắc để chiến đấu và đã hy sinh, riêng ông cũng từng tham gia kháng chiến và trở thành thương binh.

“Gia đình tôi hiến trên 500 mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn và riêng bản thân luôn giáo dục con cháu phát huy truyền thống cha ông, chăm lo học tập, làm việc, đóng góp công sức, trí tuệ phát triển quê hương. Tôi hy vọng sau khi được công nhận xã An toàn khu, cấp trên quan tâm xây dựng khu di tích, hoặc lập biểu tượng để ghi công thế hệ cha ông, giáo dục truyền thống con cháu sau này”, ông Phạm Văn Ước đề xuất.

Ông Lê Thanh Tiết (79 tuổi), người có công với cách mạng ở ấp Cái Nhum, xã Phong Đông chia sẻ, thời điểm diễn ra sự kiện “Tập kết 200 ngày đêm” chiến tranh còn ác liệt, nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Phong Đông luôn cổ vũ, động viên con em đi tập kết. Khi bộ đội về tập kết, nhà nhà nấu cơm, làm thức ăn, gói bánh tét để lo cho bộ đội được no bụng, ấm lòng.

“Đảng, Nhà nước công nhận Phong Đông là xã An toàn khu, đây là sự tri ân xứng đáng, kịp thời, là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để phát triển kinh tế, xã hội”, ông Lê Thanh Tiết bày tỏ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Đông Trần Quý Dân thông tin, dù đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhưng do là xã vùng sâu vùng xa, nên điều kiện về hạ tầng cơ sở như: trạm y tế, trường học, đường giao thông... còn hạn chế. Một số hộ nghèo, gia đình chính sách còn khó khăn cần tiếp tục được chăm lo.

“Tôi rất mong cấp trên sớm quan tâm triển khai các chính sách dành cho xã An toàn khu để địa phương thực hiện nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa xã nhà phát triển khởi sắc hơn”, ông Trần Quý Dân mong muốn.

Ông Võ Thanh Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận cho biết, trong những năm qua, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói riêng, kinh tế - xã hội của huyện nói chung không ngừng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2022 đạt 62 triệu đồng/năm. Đến nay huyện có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 3,71% năm 2021 xuống còn 2,81% năm 2022.

Theo ông Xuân, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận đùm bọc, che chở, bảo vệ nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng. Người dân Vĩnh Thuận luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng tham gia kháng chiến, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Huyện Vĩnh Thuận có nhiều di tích lịch sử cách mạng, tiêu biểu như: Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang ở ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận. Chi bộ được thành lập vào cuối năm 1932 và đã lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng của địa phương; di tích “Tập kết 200 ngày đêm” ở Vàm Chắc Băng… Những năm qua, huyện luôn coi trọng việc giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các địa chỉ đỏ trong và ngoài huyện.

“Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Thuận rất tự hào khi được công nhận thêm một số xã An toàn khu và sẽ phát huy truyền thống cách mạng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là chăm lo tốt hơn nữa cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng”, ông Võ Thanh Xuân nhấn mạnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 1006/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 công nhận 15 xã, thị trấn thuộc các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Đồng thời, công nhận liên huyện U Minh Thượng - An Minh - Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trước đó, ngày 3/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 9 xã An toàn khu thuộc tỉnh Kiên Giang, gồm các xã: Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Bình Bắc thuộc huyện Vĩnh Tuận; xã An Minh Bắc, Minh Thuận, Hòa Chánh, Vĩnh Hòa, Thạnh Yên A thuộc huyện U Minh Thượng. 

Việc công nhận xã An toàn khu là cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước thực hiện các chính sách nhằm tri ân và nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sinh sống ở các xã An toàn khu, bằng hoặc cao hơn mức trung bình chung của cả nước và từng địa phương; bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu An toàn khu cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Văn Sĩ (TTXVN)
Công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Ninh Bình
Công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Ninh Bình

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 1079/QĐ-TTg công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu thuộc tỉnh Ninh Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN