Thiếu nước ngay bên công trình nước sạch
Công trình giếng khoan, bể cấp nước được xây dựng xong ở buôn làng chưa được bao lâu thì công trình cấp nước đã ngưng hoạt động. Anh K’ Huy thôn Tơ Krang, xã Tà Hine huyện Đức Trọng cho biết: Công trình được xây dựng rất hoành tráng nhưng chỉ cấp nước cho 2 hộ gia đình, trong khi cả thôn có hơn 80 hộ dân. Nguyên nhân công trình không thể hoạt động là do ban đầu, bồn chứa nước bị rò rỉ, các ống dẫn nước bị một số người dân đào móng xây nhà khiến hệ thống dây dẫn bị đứt. Do nước sinh hoạt không đến với các hộ dân nên họ không đóng tiền điện, công trình không vận hành được, phải dừng hoạt động.
Công trình cấp nước sinh hoạt cho 500 hộ dân tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, vốn đầu tư 7 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN |
Tương tự, tuy ở gần công trình nước sạch nhưng gia đình chị Ma Biêng, 28 tuổi ngụ tại thôn Tơ Krang phải thuê người về khoan giếng để dùng. Chị Ma Biêng chia sẻ: Vì thiếu nước sinh hoạt nên nhiều gia đình phải vay mượn tiền hoặc khoan giếng nợ, đến khi thu hoạch cà phê, có tiền gia đình sẽ trả nợ cho thợ khoan giếng.
Công trình nước sạch được đầu tư phục vụ cho cộng đồng nhưng người dân đến lấy nước phải trả tiền rất cao mới lấy được. Đó là thực trạng xảy ra tại thôn B Liang, xã Tà Hine, công trình giếng khoan do huyện Đức Trọng đầu tư trên đất gia đình ông Ma Viện. Nhiều người dân rất bức xúc khi phải trả 10.000 đồng/200 lít nước. Nhiều người dân trong vùng cho rằng: Công trình nước sạch xây dựng để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng người dân muốn lấy nước lại phải trả tiền với mức giá cao hơn quy định là điều phi lý.
Tương tự thôn Tơ Rrang, tại thôn Phú Cao, xã Tà Hine công trình giếng khoan được đầu tư năm 2006 với mức giá 50 triệu đồng hiện đang tình trạng “đắp chiếu”; công trình giếng khoan tại thôn Ma Kir, xã Đa Quyn đầu tư 400 triệu đồng năm 2007 cũng không hoạt động.
Hoang phế công trình nước tự chảy
Năm 2007, do nhu cầu bức thiết của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã cho xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt K’Long, xã Đạ Pal do Hiệp hội L’Appel - Pháp đầu tư. Công trình đưa vào hoạt động vào tháng 5/2007 cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Ông K’ Brèo, làm công tác mặt trận thôn cho biết: Có nước sạch để dùng, người dân rất vui mừng nhưng đến năm 2015, công trình phải đóng cửa. Người dân trong buôn lại phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Công trình cấp nước sinh hoạt Tôn K’Long được đầu tư gần tỉ đồng nhưng giờ bị bỏ không. Các hàng mục xuống cấp trầm trọng, xung quanh cây cỏ mọc um tùm...
Tại vị trí tích nước, có dòng suối Đạ Cọ được ngăn bằng bê tông để tích nước, đây cũng là nguồn nước dẫn đến trạm xử lý nước sạch của Tôn K’Long. Nhưng từ năm 2015, nguồn nước ở đây không còn, trên dòng chảy trơ cát và đá. Ở thượng nguồn của suối Đạ Cọ, vị trí dòng suối bị chặn là giữa một cánh rừng, cách trạm xử lý nước hơn 2km.
Theo ông K’ Hấu, công trình cấp nước sinh hoạt Tôn K’Long không hoạt động nữa là do dòng suối Đạ Cọ đã cạn trơ đáy. Từ khi đầu nguồn dòng suối bị chặn dòng, trạm xử lý bị bỏ hoang. Hai năm rồi, cuộc sống người dân bị đảo lộn, hàng trăm hộ dân trong buôn thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cây trồng nên cây phát triển kém, sản lượng thấp. Để có nước sinh hoạt, người dân trong vùng phải đào giếng nhưng nước giếng bị nhiễm phèn không an toàn và dưới đất có đá nên rất khó đào.
Ông Chu Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh cho biết: UBND huyện đã mời các nhà thầu đấu thầu để tiến hành các giải pháp cấp bách, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ khảo sát, thiết kế khai thông dòng chảy cho suối Đạ Cọ; nâng cấp bể lọc nước; bảo trì sữa chữa đường ống; mở thêm một nhánh đường ống mới để cung cấp nước tới các hộ lân cận; khoan giếng nước mới đề phòng mùa khô...
Về nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch trên toàn tỉnh xuống cấp, ông Phan Văn Hợi – Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận định: Các công trình nước sạch do xã quản lý chưa có người đủ chuyên môn, nghiệp vụ vận hành. Bộ máy quản lý vận hành chưa được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng chưa phù hợp, dẫn tới việc vận hành khai thác công trình cấp nước sinh hoạt do tổ tự quản thực hiện hiệu quả đạt thấp, tỷ lệ công trình cấp nước kém hiệu quả và ngưng hoạt động chiếm 43,71% số công trình quản lý. Công tác duy tu, bảo dưỡng công trình không được thực hiện thường xuyên, những hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời dẫn đến công trình bị xuống cấp, không hoạt động.
Trong khi đó, tại các công trình do tổ tự quản của thôn, xóm quản lý hầu như không có kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng công trình. Toàn tỉnh hiện có 237 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; trong đó, 109 công trình hoạt động trung bình, 48 công trình hoạt động kém hiệu quả; 47 công trình nước sạch không hoạt động.
Nhìn chung hầu hết các công trình xuống cấp chậm được sửa chữa đều do nguyên nhân thiếu kinh phí. Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương và cả ý thức của người dân, trong đó vấn đề xã hội hóa trong công tác cung cấp nước sạch sinh hoạt cần được chú trọng, góp phần quản lý hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn.