Ông Y’Plu Êung (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân. |
Những năm trước đây, đời sống của đa số bà con buôn Lê còn nhiều khó khăn thiếu thốn, gia đình ông Y’Plu Êung cũng chỉ dựa vào vài sào lúa nước để chăm lo cuộc sống; cái đói, cái nghèo vì vậy cũng đeo bám buôn làng. Nhận thấy cần phải mạnh dạn chuyển hướng sản xuất, mở ra con đường phát triển kinh tế mới cho bản thân và buôn làng, năm 2007, ông Y’Plu Êung vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk, đầu tư nuôi bò lấy thịt, tích lũy nguồn vốn để lấy ngắn nuôi dài.
Với suy nghĩ phải làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, thông qua Hội Nông dân huyện Lắk, ông Y’Plu Êung đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với việc tích lũy kinh nghiệm, học tập các mô hình kinh tế nông nghiệp tại địa phương, ông Y’Plu Êung dần nắm bắt các kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt.
Sau khi có được nguồn vốn và làm chủ được kỹ thuật phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Y’Plu Êung đã mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu tư phát triển đàn bò hơn 10 con cùng đàn gia cầm lấy thịt, đồng thời trồng thêm 1,3 ha cà phê, thâm canh 1 ha lúa nước hai vụ. Nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con cùng với việc ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi để tăng sản lượng, chất lượng của sản phẩm, từ chỗ khó khăn thiếu thốn, ông Y’Plu Êung dần vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả trong buôn. Hiện nay, trừ mọi chi phí sản xuất, gia đình ông Y’Plu Êung thu lãi gần 300 triệu đồng/năm.
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Y’Plu Êung tích cực chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho mọi người trong buôn với mong muốn giúp đỡ bà con thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Mỗi lần có người trong buôn gặp khó khăn tìm đến, ông Y’Plu Êung đều tận tình giúp đỡ bằng tiền, gạo, những người được giúp đỡ có thể trả lại bằng ngày công lao động khi có điều kiện, đối với những hộ già yếu không có khả năng lao động, ông Y’Plu Êung sẵn sàng hỗ trợ.
“Trước đây gia đình mình cũng nghèo khó, thiếu cái ăn, cái mặc, được bà con trong buôn đùm bọc giúp đỡ. Nay mình có điều kiện hơn thì giúp những người nghèo khó hơn, bà con trong buôn cũng như anh em trong nhà, không thể thấy bà con khổ cực mà mình không giúp đỡ” ông Y’Plu Êung chia sẻ.
Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Y’Plu Êung còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, đóng góp công sức vào công việc chung của buôn làng, tạo dựng được uy tín trong cộng đồng. Năm 2006, ông Y’Plu Êung được bà con bầu làm trưởng buôn Lê; từ năm 2012 đến nay, ông là Bí thư Chi bộ buôn Lê. Dù đảm nhận vị trí nào, ông Y’Plu Êung cũng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức và nhân dân giao phó, tất cả vì sự phát triển của cộng đồng.
Với vai trò là trưởng buôn đến Bí thư Chi bộ buôn Lê, ông Y’Plu Êung đã gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ bà con trong buôn xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới. Ông Y’Plu Êung cho biết, bà con buôn Lê đều là đồng bào người M’nông, đại đa số là tín đồ Công giáo. Để ổn định tình hình an ninh trật tự và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, việc thường xuyên tổ chức vận động, tuyên truyền tới bà con về chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước là rất cần thiết trong công cuộc xây dựng đất nước.
Ngày nay, đời sống kinh tế văn hóa của bà con trong buôn đã được cải thiện đáng kể, mọi con đường được bê tông hóa theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, những thành quả của buôn Lê hôm nay đều có dấu ấn của người trưởng buôn, Bí thư Chi bộ Y’Plu Êung. Để có những con đường bê tông kiên cố, ông Y’Plu Êung đã đến từng nhà vận động bà con hiến đất làm đường, giúp đồng bào hiểu được ý nghĩa của nông thôn mới và đồng lòng thực hiện, bản thân ông cũng gương mẫu hiến đất làm đường phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ông Y’Plu Êung tâm sự: Bản thân mình là người đi vận động mà không tiên phong làm trước thì không thể nói cho bà con nghe và thực hiện.
Buôn làng hôm nay đã được thay da đổi thịt, đời sống kinh tế không còn cực khổ như trước nhưng ông Y’Plu Êung vẫn còn nhiều trăn trở về việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc trước nhịp sống của xã hội hiện đại. Cũng từ đó, ông luôn nỗ lực vận động bà con trong buôn cùng duy trì những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, từ cách ăn mặc, đến các lễ hội, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong buôn, vì các em chính là những nhân tố quan trọng để nối tiếp dòng chảy văn hóa của người M’nông ở buôn Lê.
Xuất phát từ mong muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa và nhắc nhở các thế hệ con cháu về ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, trong ngôi nhà dài truyền thống của mình, ông Y’Plu Êung dành riêng một góc để trưng bày dàn cồng chiêng, trống cổ da trâu, ché rượu cần và những lá cờ lưu niệm của buôn trong mỗi lần tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống do các cấp tổ chức.
Ghi nhận sự nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và những đóng góp cho sự phát triển của buôn làng, ông Y’Plu Êung đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp như danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thành tích vì sự phát triển của cộng đồng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...