Nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL:

Ngành thủy sản trước thách thức biến đổi khí hậu

Tình hình hạn, mặn đang tác động nặng nề ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại cả trên cây trồng, vật nuôi nước ngọt lẫn thủy sản mặn, lợ ở các tỉnh ven biển. Những bất cập, tồn tại nhiều năm qua đã khiến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thiếu tính bền vững.

Giảm sút sản lượng

Theo báo cáo của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), tình hình xâm nhập mặn với độ mặn dao động từ 15‰ - 30‰ đang gây ảnh hưởng trực tiếp đối với nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh ven biển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là đối với việc nuôi tôm nước lợ. Riêng các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang độ mặn cao hơn 30‰, xâm nhập đi sâu vào 70 km và có những vùng nước ngọt đã bị xâm mặn lên đến 5‰ - 8‰.

Công trình cống thủy lợi Kênh Hai trên địa bàn xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt đối phó với hạn, mặn đang được thi công. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Tình hình nắng nóng, mực nước đầm nuôi thấp, môi trường không ổn định, kết hợp với độ mặn cao làm cho con tôm nuôi giảm sức đề kháng, dễ sốc và chết. Tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng nắng hạn kéo dài làm nước bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao đầm tăng đã phát sinh các loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp khiến hơn 8.000 ha tôm tại các huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận thiệt hại nặng với tỷ lệ từ 30-100%. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp và khó lường trong thời gian tới.

Tại tỉnh Trà Vinh, theo thống kê, đến nay đã có hơn 700 hộ muôi tôm sú bị thiệt hại khoảng 61 triệu con trên diện tích hơn 800 ha và hơn 600 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thiệt hại khoảng 150 triệu con giống trên diện tích hơn 341 ha. Đặc biệt, huyện Cầu Ngang là địa phương có diện tích nuôi tôm bị thiệt hại nhiều nhất tỉnh, gần 21% số lượng tôm sú giống và trên 22% số lượng tôm thẻ chân trắng thả nuôi bị thiệt hại.

Áp lực thay đổi

Nhiều năm trước đây, vào thời điểm rộ lên phong trào nuôi tôm, diện tích ao nuôi tăng lên từng ngày, quy hoạch diện tích nuôi tôm cho 5 năm đã được các tỉnh ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang hoàn thành chỉ trong vòng 1- 2 năm. Người nông dân đổ xô nuôi tôm đã không ngần ngại phá bỏ những cống ngăn mặn giữ ngọt dùng canh tác lúa để lấy nước mặn và chưa kể việc mất rất nhiều ha rừng ngập mặn để đào vuông nuôi tôm. Khi thiếu nước để giữ độ mặn trong ao tôm, nước ngầm đã được bơm lên một cách tràn lan, vô tội vạ đã gây ra tình trạng sụt lún mặt đất kéo theo mực nước biển dâng càng nhanh hơn.

Có thể nói, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng vẫn còn thiên về số lượng hơn chất lượng, thiên về chiều rộng hơn chiều sâu dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, nước. Như vậy, bên cạnh thách thức từ thiên nhiên, còn có thách thức từ con người đối với tài nguyên nước vì đã không quan tâm đầy đủ đến môi trường.

Chính vì thế, có ý kiến cho rằng, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL rất yếu ớt, dễ tổn thương trước tác động bất lợi của những yếu tố mang tính khách quan, chủ quan, yếu tố tự nhiên và con người. Thực tế là việc thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản là một câu chuyện không phải mới mà đã diễn ra hàng năm và đợt thiệt hại do tình hình hạn, mặn lần này như là một “hồi chuông” báo động phải nhanh chóng đầu tư, thay đổi để thích nghi.

Một giải pháp lâu dài để đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ĐBSCL là cần rà soát hệ thống thủy lợi. Bởi chính từ những biến động về thiên nhiên, thị trường, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất quy mô lớn và rộng khắp từ những năm qua đã và đang đặt nhiều vấn đề cho công tác thủy lợi. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư công trình thủy lợi không chỉ hạn hẹp, khu biệt cho ngành thủy lợi như: Kiểm soát lũ, cấp - tiêu nước, kiểm soát mặn, phòng chống xói lở… mà còn là sự phối hợp giải quyết bài toán đa mục tiêu với thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp, dân cư, giao thông, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp… và đặc biệt là phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, vấn đề hạn, mặn hiện nay được xác định là lớn nhất trong gần 100 năm qua và để phòng chống có hiệu quả, lâu dài cần đầu tư khoảng 4 tỷ USD cho toàn vùng ĐBSCL. Trong khi đó, khả năng trong ngắn hạn, ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 400 triệu USD, phần lớn lại là vốn vay ODA, giải ngân chậm.

Đây là một “nút thắt” về vốn rất lớn trong bối cảnh cần phải nhanh chóng triển khai nhiều công trình, dự án để đảm bảo việc đầu tư phát triển bền vững ngành nông nghiệp nói chung, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề là nhiệm vụ này không thể chỉ đặt “vào tay” của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước ở vùng ĐBSCL mà vấn đề đặt ra là cần có sự chung tay của toàn xã hội. Bởi lẽ, nếu như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhân dân cùng nỗ lực tham gia chống hạn hán và ngập mặn thì nhà nước cũng giảm được đáng kể nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các hộ nông dân tự giác thực hiện đúng mô hình thì nhà nước cần có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho những hộ trực tiếp sản xuất có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, tín dụng ưu đãi để đầu tư triển khai. Đồng thời, cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức và có những chế tài đủ mạnh đối với người dân, doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước.

Một vấn đề khác, mặc dù công tác quy hoạch vùng nuôi đã thực hiện khá tốt ở vùng ĐBSCL, nhưng việc thực hiện quy hoạch chưa thực sự chặt chẽ. Vì đã không ít trường hợp người nông dân chạy theo yếu tố mang tính chất thị trường, thấy hiệu quả trước mắt mà phá bỏ đi tính tổng thể của quy hoạch. Chính vì vậy, sự chung tay còn đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà khoa học - người dân - doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường đầu ra, vốn dĩ là một yếu tố rất nhạy cảm, ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý của người nuôi trồng thủy sản.

Thống kê toàn vùng ĐBSCL, tính đến cuối tháng 2/2016, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 368.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 358.000ha (bằng 86% so với cùng kỳ), nuôi tôm thẻ chân trắng 9.794 ha (bằng 72% so với cùng kỳ). Hầu hết các địa phương đều thả nuôi ít hơn so với cùng kỳ 2015 và chỉ đạt 50% kế hoạch. Nguyên nhân do tình hình hạn, mặn gay gắt nên người dân không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ nuôi thăm dò. Chính vì vậy, sản lượng tôm sẽ đạt thấp và có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong những tháng tiếp theo.


Anh Đức - Thế Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN