Nhờ đó đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Thuận Châu ngày càng được nâng lên, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu được giao quản lý, bảo vệ hơn 26.477 ha trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu; trong đó diện tích rừng phòng hộ hơn 14.056 ha, diện tích rừng đặc dụng hơn 12.420 ha. Hầu hết trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ là địa hình dốc, chia cắt sâu, không tập trung.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng, Ban Quản lý đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hàng năm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan; tổ chức giao khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng tới 67 cộng đồng bản, nhóm hộ đồng bào các dân tộc sống gần rừng; đồng thời thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Với nhiều phương án, kế hoạch, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến, góp phần tích cực vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Bản Nhộp (xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu) là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn, với hơn 680 ha; nguy cơ xảy ra cháy rừng mùa hanh khô rất cao. Ông Lường Văn Nhại, Đội trưởng Đội Xung kích bảo vệ rừng bản Nhộp cho biết, sau khi được Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, ông và 23 người dân khác đã thành lập đội xung kích. Các thành viên thường xuyên ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng tham gia chữa cháy cùng các lực lượng chức năng. Mùa khô hanh năm nay, các thành viên trong đội đã phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa để khi xảy ra cháy rừng sẽ dập tắt dễ dàng, không để cháy lan sang khu rừng khác. Hàng ngày, đội đều có từ 2-4 người đi tuần tra, canh gác, bảo vệ rừng.
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng khu vực xã Chiềng Bôm, chị Đào Thị Thanh Huyền, viên chức Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu cho hay, để làm tốt nhiệm vụ, chị và hai thành viên khác đã tích cực phối hợp với các tổ, đội quản lý, bảo vệ rừng ở các bản nhận giao khoán để tuần tra, kiểm soát từ 3-4 đợt/tháng. Khi vào mùa hanh khô, các thành viên trong tổ sẽ đi tuần tra, kiểm tra 7-8 đợt/tháng tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì, không đốt nương, làm rẫy để ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng; lắp đặt các biển báo, biển cấm lửa tại các vị trí dễ quan sát, nhận biết; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Ban Quản lý đang hoàn thiện các thủ tục bàn giao các công trình trồng rừng thay thế hết thời gian xây dựng cơ bản với tổng diện tích hơn 170 ha; Dự án trồng và phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng đầu nguồn lưu vực Sông Đà, Sông Mã với tổng diện tích chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng 800 ha; trồng, khôi phục và bảo tồn gần 166 ha rừng đặc dụng - phòng hộ thuộc Dự án Bảo tồn và Phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh...
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ đặc dụng Thuận Châu thông tin, mặc dù còn nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn giao quản lý rộng nhưng các cán bộ, viên chức của đơn vị đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ sự chủ động của đơn vị trong xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các tổ, đội và nhân dân được giao khoán bảo vệ rừng, nên hàng năm trên địa bàn không xảy ra các vụ cháy rừng. Công tác khoanh nuôi, phục hồi, trồng rừng được đẩy mạnh giúp độ che phủ rừng tăng qua các năm, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển rừng vẫn gặp nhiều khó khăn; hiện một số diện tích rừng trồng, khoanh nuôi, tái sinh do đơn vị quản lý phát triển chậm, hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, để nâng cao công tác bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu đang tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả các Dự án trồng rừng nhằm tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để phát triển rừng trên địa bàn, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo thu nhập cho người dân.