Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, CHDCND Lào và Campuchia đều có dân số ít, diện tích tự nhiên bình quân cao và rừng tự nhiên nhiều. Trong khi tại Việt Nam, diện tích rừng tự nhiên hiện là 10,3 triệu ha, trong đó 1,3 triệu ha phục hồi trong 30 năm qua.
Vì vậy, độ che phủ rừng ở Việt Nam thấp hơn 2 nước trên có nguyên nhân lịch sử, nhưng đương nhiên cũng có trách nhiệm về công tác quản lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trách nhiệm với rừng tự nhiên cần kiên quyết, không để can thiệp, chuyển diện tích rừng tự nhiên. Bất kỳ chuyển diện tích nào phải tuân thủ đúng Luật Lâm nghiệp và Quốc hội phải thông qua, để hạn chế đến mức thấp nhất.
Tiếp đó, người tham gia quản lý, bảo vệ rừng cần được tăng cường để phục hồi chất lượng của rừng tự nhiên nhanh hơn.
"Trên các khu vực trọng yếu như: Lâm Đồng, Tây Bắc, ven biển thì ngoài dự án chung của rừng thì phải có những chương trình riêng để tập trung phục hồi nhanh khu vực này. Chính phủ đã có Đề án phát triển rừng của Tây Nguyên, rừng ven biển, rừng Tây Bắc. Ba khu vực trọng yếu này phải tập trung hơn cùng với công tác chung”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Hiện diện tích rừng trồng của Việt Nam là 4,3 triệu ha nhưng chủ yếu là keo, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém. Do vậy, phải thay dần bằng các cây bản địa để thay đổi cơ cấu, tăng giá trị, độ che phủ và chất lượng bền vững trước thiên tai.
Ngoài ra, nhà chức trách phải tăng cường quản lý từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là áp dụng chế tài mạnh trong xử lý hình sự vi phạm về rừng.
“Năm 2019, chúng ta đã xử lý hình sự 373 vụ và khởi tố 48 vụ. Theo tôi, vẫn phải kiên quyết làm, thái độ phải làm tích cực hơn. Bởi vì năm 2019, chúng ta vẫn còn tới 2.575 hecta rừng bị xâm hại, trong đó có cả cháy rừng, vi phạm rừng”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.