Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11:

Nâng cao hiệu quả tủ sách pháp luật ở cơ sở

Trong 9 tháng năm 2017 đã có 188.520 lượt người tới mượn và đọc sách tại các tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tủ sách pháp luật cấp xã chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được đông đảo cán bộ, nhân dân đến mượn và đọc sách.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 540 tủ sách pháp luật cấp xã. Theo quy định, mỗi tủ sách được trang bị các loại sách, báo, tài liệu pháp luật gồm: Công báo, các tập văn bản hệ thống quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành; sách pháp luật hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành; báo, tạp chí chuyên ngành về pháp luật của Trung ương và địa phương… Định kỳ hàng năm, tủ sách được bổ sung tài liệu mới nhằm cập nhật các văn bản, chính sách hiện hành, phục vụ nhu cầu người đọc.

Tuy nhiên, hiện nay, lượng người đọc và mượn sách tại tủ sách pháp luật cấp xã có chiều hướng giảm. Tại thành phố Sơn La, trong 9 tháng năm 2017, trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 10 lượt người đọc và mượn sách, trong khi năm 2016, con số này khoảng hơn 30 lượt người. Hay tại huyện Sông Mã, tủ sách pháp luật cấp xã chỉ có hơn 10 lượt người đến đọc và mượn/tháng. Ngoài ra, các tủ sách pháp luật cấp xã còn chưa được cập nhật, thiếu nhiều loại sách, báo…

Anh Quàng Văn Hồng, cán bộ Tư pháp xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã cho biết, so với trước đây, người dân ít tham gia đọc và mượn sách tại tủ sách pháp luật. Theo anh Quàng Văn Hồng, Nà Nghịu là xã vùng II, có 22/42 bản đặc biệt khó khăn và đồng bào 8 dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông, trong khi tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số rất ít. Cán bộ làm công tác hướng dẫn, giúp đỡ người dân sử dụng tủ sách pháp luật cũng thiếu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tủ sách pháp luật cấp xã.

Lý giải nguyên nhân lượng người đọc và mượn tại tủ sách pháp luật cấp xã có chiều hướng giảm, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Sơn La Nguyễn Quang Điện cho biết, cách bố trí tủ sách pháp luật cấp xã hiện chưa hợp lý và cũng chưa thống nhất. Có nơi tủ sách được đặt ở phòng tiếp dân, nơi khác lại đặt ở phòng tư pháp - hộ tịch. Trong khi đó, nhiều người dân còn có tâm lý rất ngại đến cơ quan hành chính còn nếu vào ngoài giờ làm việc, tủ sách không có người phục vụ.

Khi được hỏi, nhiều người dân ở Sơn La vẫn chưa biết có tủ sách pháp luật đặt tại địa phương. Họ chỉ biết đến các văn bản, chính sách mới thông qua hội nghị phổ biến pháp luật tại xã, thôn, bản. Khi có vướng mắc liên quan đến pháp luật, họ sẽ tìm đến cán bộ tuyên truyền pháp luật và cán bộ tư pháp xã.

Tủ sách pháp luật cấp xã là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu pháp luật phục vụ công tác của cán bộ, công chức chính quyền và đoàn thể ở cơ sở; đặc biệt, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La Quàng Văn Hùng nhận định, tủ sách pháp luật cấp xã đóng vai trò là thư viện pháp luật thu nhỏ ở cơ sở. Dù số người đến mượn và đọc tủ sách pháp luật ở một số địa phương chưa nhiều nhưng việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách này là rất cần thiết.

Nhiều người khi biết thông tin có tủ sách pháp luật đặt tại địa phương đều bày bỏ mong muốn được đến đọc, tìm hiểu về pháp luật. Những người đã thường xuyên đọc và mượn sách tại tủ sách pháp luật như ông Lường Hòa Bình tại bản Pán 2, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, đề nghị các tủ sách cần có thêm nhiều tài liệu tiếng dân tộc thiểu số giúp người dân dễ tiếp cận và tìm hiểu pháp luật được sâu rộng hơn.

Thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh Sơn La tăng cường tuyên truyền về vai trò của tủ sách pháp luật; thường xuyên vận động, giới thiệu để cán bộ và nhân dân đến nghiên cứu, đọc sách, báo, tài liệu pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị bổ sung các loại tài liệu mới; xem xét, lựa chọn địa điểm đặt tủ sách pháp luật cấp xã thuận tiện cho cán bộ, nhân dân đến mượn và đọc sách...

Diệp Anh (TTXVN)
Tủ sách cổ tích Việt Nam song ngữ
Tủ sách cổ tích Việt Nam song ngữ

Tủ sách Cổ tích Việt Nam song ngữ - tuyển chọn những truyện cổ tích/truyền thuyết Việt Nam đặc sắc - được thể hiện bằng tranh vẽ đẹp mắt, ngôn ngữ Việt - Anh cô đọng, súc tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN