Hệ lụy từ thủy điện

Ở Tây Bắc, bên cạnh lợi ích về nguồn điện đem lại, các công trình thủy điện mọc lên đã làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân phía dưới hạ du. Thậm chí, khi thủy điện tích nước hay xả nước còn gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc, cướp đi tính mạng của con người.

Nguy cơ sạt lở

Dù đã vào mùa mưa nhưng chúng tôi chứng kiến dòng sông Đà chảy qua thị xã Mường Lay (Điện Biên) cạn trơ đáy. Người dân ở đây cho biết, trước kia chưa có thủy điện chặn dòng, sông lúc nào cũng đầy ắp nước, sinh hoạt và hoạt động đánh bắt thủy hải sản của bà con “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp. Diện tích ruộng hai bên bờ sông phì nhiêu, trồng lúa năm hai vụ và năng suất cao, đời sống đồng bào dân tộc no ấm. Mấy năm nay, vào mùa hè thủy điện chặn dòng tích nước, sông khô cạn, hoạt động mưu sinh của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Vũ Tiến Hưng, Chủ tịch UBND phường Sông Đà cho biết: “Từ khi có thủy điện, vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 7 nước sông cạn không đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được. Người dân đã phải chuyển đổi mùa vụ trồng cây ngắn ngày, nhưng lũ về đột ngột, thủy điện xả nước là mất trắng. Giai đoạn đầu nước lòng hồ dâng, phường có 8 hộ vay tiền đầu tư nuôi cá lồng, nhưng nguồn nước không ổn định, làm ăn thua lỗ”.

Thủy điện tích nước, dòng sông Đà chảy qua thị xã Mường Lay cạn khô.

Cũng theo ông Hưng, chính quyền rất lo lắng và đề nghị Nhà nước nên xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ đời sống của người dân. Do làm thủy điện mà phường Sông Đà đã mất khoảng 100 ha rừng chưa được hoàn trả, cộng thêm việc nước sông cạn 4 tháng do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa gió bất thường, sạt lở, mùa hè nắng nóng gay gắt…

Từ năm 2010, khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay (Điện Biên) đã phải mở rộng diện tích ở chân núi để tạo mặt bằng, xây dựng nhiều công trình trọng điểm của thị xã như: Trung tâm hội nghị văn hóa, Sân vận động, trụ sở hành chính thị xã, nhà khách… Trong khi đó địa chất phức tạp, kém ổn định, cộng thêm lỗi thiết kế nên các công trình này luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm khi đứng trước nguy cơ bị hàng triệu mét khối đất, đá sạt, trượt đe dọa chôn vùi.

Ông Vũ Ngọc Vương, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: “Trước nguy cơ sự cố có thể xảy ra, tỉnh Điện Biên đã có công văn chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục, khoanh vùng, lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; khẩn trương có các giải pháp khẩn cấp, để giảm thiểu nguy cơ sạt lở các công trình trong mùa mưa lũ 2016”.

Thiệt hại do xả nước bất ngờ

Vào mùa lũ người dân dưới hạ du nhà máy thủy điện lại thấp thỏm lo âu, do nhà máy thủy điện đột ngột xả nước không thông báo, gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Theo báo cáo của UBND phường Sông Đà, vào 1 giờ sáng ngày 11/6 vừa qua, Nhà máy thủy điện Lai Châu đột ngột xả nước không thông báo đã làm thiệt hại về tài sản như: Thuyền, ngư lưới cụ và nông cụ… của các hộ dân, thiệt hại tài sản ước tính gần 400 triệu đồng. Các hộ bị thiệt hại chủ yếu là hộ nghèo, cuộc sống dựa vào nghề đánh cá trên sông nên hoàn cảnh gia đình lại càng thêm khó khăn, không còn khả năng khắc phục để tiếp tục phát triển kinh tế. Phường Sông Đà đã thống kê thiệt hại của từng gia đình và đề nghị UBND thị xã yêu cầu Nhà máy thủy điện Lai Châu nhanh chóng đền bù để người dân có điều kiện tái sản xuất.

Ông Điêu Văn Thủy, dân tộc Thái ở tổ 5, phường Sông Đà bị thiệt hại nặng nhất. Xuồng và ngư lưới cụ, máy móc đều bị cuốn trôi, thiệt hại 40 triệu đồng. Ông Thủy cho biết: “Sông cạn thì không biết làm gì để ăn, nước về lại thêm lo lắng”. Ông Thủy cho rằng, mỗi lần xả nước, nhà máy thủy điện cần có thông báo trước cho bà con phía hạ du để tránh gây thiệt hại về người và tài sản.

Tại xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã có trường hợp học sinh Sùng Thị Dở, 10 tuổi, học sinh lớp 4 từ nhà qua sông về trường học đã bị nước thủy điện Bản Chát cuốn trôi, sau 4 ngày mới tìm thấy xác. Trước đó, vào sáng 13/4/2014, tại sông Nậm Mu thuộc địa phận bản Hỳ, xã Ta Gia, đã có 7 học sinh tiểu học lội qua sông đến trường bị nước Nhà máy thủy điện Bản Chát tràn về dâng cao khoảng 1m50, chảy xiết cuốn trôi. Người dân cứu được 6 em, còn em Sùng Thị Dở tử vong.

“Qua nhiều lần kiểm tra tại vùng tái định cư thủy điện, bản thân tôi trăn trở trước đời sống khó khăn của bà con dân tộc. Đồng bào dân tộc đã nhường đất để làm thủy điện, họ đã mất nhiều hơn được. Nhà nước, các cấp chính quyền và nhà máy thủy điện phải quan tâm, có chính sách an sinh xã hội lâu dài, bù đắp lại những thiệt thòi cho bà con tái định cư thủy điện”. Ông Hoàng Xuân Long, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Bắc


Bài và ảnh: Việt Hoàng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN