Để chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn, mặn làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai các giải pháp gắn liền với thực tế sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân.
Đảm bảo sản xuất giữa cao điểm mùa khô
Tại thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu), công tác phòng chống hạn, mặn được triển khai tích cực, qua đó giúp cho người dân trên địa bàn ổn định sản xuất, hài hòa kinh tế và lợi ích của hai vùng sản xuất mặn (nuôi tôm) và ngọt (sản xuất lúa).
Ông Nguyễn Văn Tài ở ấp 16A, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai sản xuất hơn 1 ha lúa Đông Xuân. Lúa được 60 ngày tuổi và đang phát triển tốt. Ông Tài nhận định, sẽ ít có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt, dù phải bơm 4 đợt nước nữa cho đến khi thu hoạch. Điều này là do hệ thống thủy lợi được xây dựng với các con đập phân ranh mặn - ngọt hoạt động hiệu quả. Hiện, nước trên các trục kênh còn khá nhiều nên người dân không lo lắng chuyện thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất lúa.
Tương tự, ông Phạm Văn Hai ở ấp 18, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai sản xuất vụ Đông Xuân (lúa vụ 3) hơn 3 ha. Theo ông Hai thì dù đang cao điểm mùa khô, nhưng nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa vụ 3 vẫn đảm bảo. Nhất là các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp luôn kiểm tra và cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về độ mặn, về ảnh hưởng của tình hình hạn hán để người dân trên địa bàn nắm rõ và có sự chủ động trong sản xuất.
Ông Lương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Tân, thị xã Giá Rai cho biết, địa phương hiện có trên 2.900 ha lúa và 1.412 ha nuôi trồng thủy sản. Sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Địa phương cũng vận động bà con nạo vét các tuyến kênh nội đồng để khơi thông thuận lợi cho bơm tưới, nhất là vào mùa khô.
Ông Phạm Văn Tới, Phó trưởng phòng Kinh tế, thị xã Giá Rai cho biết, thị xã có 7.300 ha lúa Đông Xuân, 29.000 ha nuôi trồng thủy sản. Là địa phương cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn nhưng nhờ chủ động các giải pháp nên chưa bị thiệt hại do hạn mặn.
Vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 45.000 ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Những ngày này, dù đang bước vào cao điểm của hạn, mặn, nhưng nhờ sự chủ động từ sớm thông tin tuyên truyền và tích trữ nước, vận hành các cống mặn - ngọt nên người dân vẫn an tâm sản xuất dù đang vào cao điểm mùa khô.
Để chủ động ứng phó với các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với vụ mùa 2023-2024 trên địa bàn, UBND tỉnh Bạc Liêu chủ động đưa ra 3 kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với 3 cấp độ khác nhau nhằm tạo sự thống nhất cao trong điều hành chỉ đạo sản xuất trên địa bàn Bạc Liêu và các tỉnh giáp ranh. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành chuẩn bị kế hoạch ứng phó phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh theo kịch bản 2 (giả định tình huống diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tương đương mùa khô 2015 - 2016). Công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tập trung từ đầu tháng 12/2023 đến tháng 5/2024.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cơ cấu lại lịch mùa vụ, vận hành điều tiết nước phục vụ sản xuất lúa và nuôi tôm một cách phù hợp đối với từng vùng sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đưa ra các giải pháp như sửa chữa cống, trạm bơm, kéo dài đường ống cấp nước sạch nông thôn, công trình kênh mương tạo nguồn để phục vụ phòng, chống hạn hán trên 21 tỷ đồng…
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng, cần chủ động phối hợp với các địa phương ưu tiên cung cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho sinh hoạt của người dân; quán triệt phương châm “không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt”. Cùng với đó, ưu tiên vận hành các công trình thủy lợi, đặc biệt lưu ý nếu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào đất liền và vận hành hiệu quả các cống.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long Trần Văn Liêm cho biết, để phòng chống hạn hán xâm nhập mặn đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, địa phương đã xác định công tác triển khai lịch thời vụ là điều kiện tiên quyết để từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và các địa phương thực hiện. Cùng đó là thực hiện tốt thủy nông nội đồng và tích cực xây dựng hệ thống đê bao khép kín và các trạm bơm để đảm bảo việc tích trữ nước, phục vụ sản xuất của bà con trong mùa khô.
Điều tiết nước và phục vụ sản xuất cho 2 vùng mặn - ngọt
Ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, việc điều tiết nước và phục vụ sản xuất cho 2 vùng mặn-ngọt được thực hiện hiệu quả và nhịp nhàng thông qua lịch điều tiết nước của ngành nông nghiệp. Dù đang bước vào cao điểm mùa khô nhưng tại các tuyến kênh nội đồng, nước ngọt vẫn đầy đủ, người sản xuất lúa an tâm sản xuất.
Với người nuôi tôm, nước phục vụ cho hoạt động thả nuôi vẫn đúng theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp. Bài toán hài hòa sản xuất hai vùng mặn - ngọt tiếp tục được ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu thực hiện tốt và có giải pháp hài hòa. Qua đó, giúp cho người dân vững tin sản xuất, dù hạn mặn tiếp tục được cảnh báo ở mức cao.
Để phục vụ thu hoạch vụ lúa Thu Đông và sản xuất vụ lúa Đông Xuân ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định; thu hoạch vụ lúa trên đất tôm; cấp nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản thuộc tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A và phục vụ cho nuôi trồng thủy sản phía Nam Quốc lộ 1A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu liên tục thông báo lịch vận hành định kỳ các cống đầu mối trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, đối với các cống vùng mặn như cống Khúc Tréo, Nọc Nạng… chủ yếu mở ra vào hai chiều hoặc đóng lại tùy theo tình hình diễn biến nguồn nước (mặn, ngọt) trên hệ thống thủy lợi phía Bắc Quốc lộ 1A. Đối với các cống vùng ngọt từ cống Láng Tròn (thị xã Giá Rai) đến hệ thống cống Đông Nàng Rền (giáp Sóc Trăng), hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt trên địa bàn các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai đóng lại trữ nước ngọt; thường xuyên theo dõi, quan trắc để mở tiêu ô nhiễm và tiêu úng để phục vụ sản xuất vụ lúa Đông Xuân ở tiểu vùng giữ ngọt ổn định; hạn chế mở tiêu ô nhiễm tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A để phía Nam Quốc lộ 1A lấy nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Đối với cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi miền Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến nước mặn để vận hành cống hợp lý, hiệu quả. Khi độ mặn tại ngã tư Ninh Quới vượt quá 4g/lít, không cho nước mặn xâm nhập lên vùng ngọt ổn định của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười nhận định, ngoài việc điều tiết nước ngọt cho vùng sản xuất lúa, nước mặn cho vùng lúa tôm, tỉnh Bạc Liêu còn thực hiện việc điều tiết nước liên tỉnh để đảm bảo yêu cầu sản xuất của các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. Hiện, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bạc Liêu. Tuy nhiên, nhờ sự triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp công trình và phi công trình của các cấp ngành, chính quyền nên đến nay việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.
Với các biện pháp ứng phó với hạn hán xâm nhập mặn được triển khai đồng bộ và phát huy hiệu quả trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và xâm nhập mặn trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh các phương án chỉ đạo sản xuất phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương.