Giữ bình yên biên giới Tây Nam: Gắn kết tình quân dân

Thời gian qua, nhờ các chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và sự chung tay của lực lượng Bộ đội biên phòng các địa phương…, đời sống người dân trên tuyến biên giới Tây Nam đã được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, “thế trận lòng dân” được nâng cao, chủ quyền biên giới được bảo vệ vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.


Nâng cao đời sống người dân

Với nỗ lực giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân biên giới, tỉnh An Giang đã đầu tư cho các xã biên giới mạnh về xây dựng nông thôn mới, vững về an ninh quốc phòng. Tuyến tỉnh lộ 955A dọc kênh Vĩnh Tế, từ Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đến xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) dài khoảng 25 km đã được nhựa hóa bằng phẳng, giúp cho người dân đi lại dễ dàng.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Muống, Đồng Tháp thường xuyên gặp gỡ nhân dân để nắm tình hình an ninh trật tự vùng biên giới.

Trong khi đó, tại các xã biên giới tỉnh Đồng Tháp, để giúp người dân có công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo, Bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vận động thành lập và duy trì có hiệu quả 172 tổ góp vốn xoay vòng để xây nhà, mua sắm đồ dùng gia đình. Những lớp dạy nghề may công nghiệp, may gia đình, đan ghế nhựa… được mở, tạo công ăn việc làm cho nhân dân có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Tiêu biểu của mô hình này là xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho gần 150 chị em có việc làm.

Tổ góp vốn của phụ nữ cũng đã giúp cho hàng chục gia đình ở cụm tuyến dân cư vượt lũ Giồng Bàng vay vốn nuôi lươn, được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, giúp chị em ổn định cuộc sống. Mô hình “Hũ gạo tình thương”, chăm sóc sức khỏe cho ngươi dân nơi biên giới cũng được BĐBP tỉnh Đồng Tháp triển khai với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, không có khả năng lao động, hàng tháng mỗi hộ được nhận 15 kg gạo và 200.000 đồng. Hiện trên khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng được 5 trạm cấp nước sạch sinh hoạt, cung cấp nước cho 1.775 hộ dân với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng.

Ở Kiên Giang, mô hình vận động xây dựng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã huy động từ nhiều nguồn lực để xây nhà tặng người dân nghèo. Từ năm 2012 đến nay, hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo” do Tỉnh ủy Kiên Giang phát động, các đơn vị BĐBP đã đăng ký thực hiện hàng chục mô hình tập thể và mô hình cá nhân về xóa đói giảm nghèo, làm cầu đường giao thông, từ thiện xã hội… BĐBP cũng đã hỗ trợ cho hàng chục hộ vay vốn tín chấp ngân hàng để phát triển sản xuất, chăn nuôi bò; tham gia cùng địa phương làm 24 km đường giao thông nông thôn và xây dựng hai điểm đọc sách phục vụ cho đồng bào Khmer…

Việc chăm lo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng biên của chính quyền và lực lượng BĐBP địa phương đã giúp đời sống của người dân ổn định và phát triển tốt hơn, từ đó ý thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới cũng tăng lên. Nhân dân tích cực tham gia cùng với các lực lượng BĐBP bảo vệ tốt chủ quyền an ninh biên giới.

Cùng người dân bảo vệ biên giới

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, Phó Tư lệnh Quân khu 9 cho biết, đời sống người dân biên giới Tây Nam Tổ quốc so với mặt bằng chung toàn quốc vẫn còn thấp. Thêm vào đó, dân cư sống rải rác, mật độ thưa thớt và sự đi lại qua biên giới còn tự phát theo các đường mòn, lối mở qua lại… đã có những ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên tuyến biên giới. Chính vì thế, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xác định là: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tập trung vào thực hiện tốt công tác đối ngoại quân sự, ngoại giao nhân dân trên nền tảng giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết là yếu tố quyết định để giữ gìn, xây dựng tuyến biên giới ổn định và phát triển.

Để bảo vệ an ninh biên giới, thời gian qua, chính quyền và đoàn thể ở các địa phương biên giới đã ký kết các giao ước thực hiện phong trào, xây dựng nhiều mô hình tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm hiệu quả… Nhiều mô hình hay đã hình thành như mô hình “Tiếng kẻng vùng biên” ở các xã biên giới Long An, phong trào “BĐBP Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Kiên Giang… đã gắn kết giữa quân và dân trong việc xây dựng, bảo vệ bình yên nơi biên giới.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thời gian qua, các địa phương và lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đã quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ động nắm tình hình từ xa, bám sát những diễn biến tình hình tại địa bàn. Thực hiện tốt công tác đối ngoại, các địa phương trên địa bàn Tây Nam Bộ đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng vũ trang giáp biên của Campuchia giải quyết hiệu quả nhiều vụ gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội trên biên giới, không để kẻ địch tạo cớ xuyên tạc... Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo, phối hợp với các địa phương có biên giới, biển, đảo kiểm tra và đôn đốc công tác nắm tình hình giải quyết, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Đồng thời thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác phòng thủ; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, chủ động nắm bắt tình hình, phân công cán bộ trao đổi thông tin và trực tiếp phối hợp với các địa phương giải quyết các vụ việc liên quan đến quốc phòng, an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh giáp biên...

Để tăng cường hơn nữa công tác xây dựng và bảo vệ an toàn tuyến biên giới Tây Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký kết chương trình phối hợp về “Tăng cường chỉ đạo và triển khai các hoạt động trên tuyến biên giới biển, đảo các tỉnh Tây Nam Bộ” giai đoạn 2015 - 2020. Theo chương trình ký kết, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ phối hợp thực hiện 5 nội dung, gồm: Trao đổi thông tin về công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thống nhất nhận định, thẩm định, làm rõ thông tin, đánh giá tình hình, phương án tham mưu và đề xuất chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, công tác đối ngoại biên giới và ngoại giao nhân dân. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã biên giới vững mạnh. Xây dựng cơ sở hạ tầng, kết hợp kinh tế với quốc phòng trên tuyến biên giới. Thực hiện chủ trương quy hoạch, đưa dân ra khu vực biên giới.

Thực hiện các nội dung này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP trong việc nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù phát triển vùng biên giới. Phía Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ nghiên cứu, đề xuất tham mưu với Trung ương những chủ trương, giải pháp, chính sách đặc thù phát triển vùng biên, đảm bảo ổn định, hữu nghị, phát triển lâu dài với nước láng giềng, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ.
Bài và ảnh: Anh Đức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN