Sau gần 30 năm tại nơi ở mới, người dân đã hòa nhập tốt, luôn đoàn kết với nhân dân các dân tộc sở tại, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống vật chất tinh thần ngày càng nâng cao.
Bản Phiêng Tiến có tổng diện tích tự nhiên là 38 ha, với 56 hộ, 242 nhân khẩu, có 3 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Thái có 39 hộ, chiếm 70%.
Trước đây, thu nhập chính của các hộ dân trong bản chủ yếu từ trồng chè. Từ năm 2016 đến nay, đa số các hộ dân đã chuyển đổi một phần diện tích trồng chè sang trồng rau màu, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó, góp phần cung cấp đủ lương thực, thực phẩm tại chỗ cho nhân dân và bán ra thị trường.
Năm 2021, thu nhập bình quân của bản đạt 33 triệu đồng/người/năm, 100% số hộ được sử dụng điện, 70% số hộ dùng internet, số hộ xây nhà bán kiên cố là 100%...Toàn bản còn 2 hộ nghèo, không còn hộ phải ở nhà tạm.
Có thể thấy rằng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong bản không ngừng được nâng cao. Văn hóa xã hội phát triển, con em đều được đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Nhiều nét sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, bản sắc dân tộc được duy trì. Các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, an ninh trật tự luôn được đảm bảo, thế hệ trẻ luôn có xu hướng phấn đấu học hỏi những cái mới, tích cực để áp dụng vào thực tiễn.
Chị Lò Thị Sơn, bản Phiêng Tiến chia sẻ, thế hệ trẻ luôn có ý thức bảo vệ và lưu giữ vẻ đẹp, nét đặc trưng của người Thái. Ngoài những điệu múa, câu hát, chị Lò Thị Sơn cũng đã dệt được những tấm vải thổ cẩm để làm trang phục truyền thống của người Thái. Chị Lò Thị Sơn mong muốn, các cấp chính quyền thường xuyên quan tâm, tổ chức buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ luôn ghi nhớ và gìn giữ bản sắc của dân tộc mình.
Tại bản Phiêng Hạ, mặc dù sinh sống trên mảnh đất mới nhưng 55 hộ dân, với 224 nhân khẩu nơi đây vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Cùng với đó, đồng bào tái định cư ở bản Phiêng Hạ đã thích nghi tốt với cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế gia đình từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chị Phùng Thị Anh Minh, du khách đến từ Hà nội cho hay: Khi đến tham quan du lịch xã Phiêng Luông, chị cảm thấy con người nơi này rất thân thiện, các phong tục tập quán của người Thái vẫn được gìn giữ.
Ông Cầm Văn Ướng, Bí thư Chi bộ bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông cho biết, hiện nay, các phong tục tập quán, văn hóa, tiếng nói của dân tộc Thái trong bản không bị mai một. Hàng năm, Nhà nước cấp kinh phí cho đội Văn nghệ để sinh hoạt nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm gần đây, đời sống của nhân dân cơ bản ổn định, đa số các hộ dân phát triển kinh tế từ cây chè, trồng rau bắp cải, chăn nuôi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá lên xuống thất thường, ông Cầm Văn Ướng mong muốn, Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản cho bà con với giá cao hơn, ổn định hơn. Từ đó người dân yên tâm lao động sản xuất và có thêm điều kiện để bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trên quê hương mới.
Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, huyện Mộc Châu đã quan tâm, tuyên truyền việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các phong tục, tập quán, thành lập đội Văn nghệ quần chúng...
Với sự tâm huyết của những người con dân tộc Thái cùng sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống của đồng bào Thái trên mảnh đất Sơn La sẽ được gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau.