Một đoạn trên tuyến đường QL 19 đã được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Văn Thông/TTXVN |
Đặc biệt, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính để phát triển các dường ngang, đường hành lang Đông- Tây nối với các vùng xung quanh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, các nước trong khu vực…
Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên tập trung đầu tư, đi ngay vào hiện đại đối với một số công trình giao thông trọng điểm có tính đột phá, có vai trò động lực, không đầu tư phân tán, dàn trải, cục bộ địa phương. Tất cả các xã của vùng Tây Nguyên có đường ô tô đến trung tâm; trong đó, 70% đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, đường huyện đạt tối thiểu cấp V, 50% đường thôn, xóm được cứng hóa…
Các tỉnh Tây Nguyên cũng nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo phục vụ 24/24 giờ các loại máy bay A320, A321 tại các cụm cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), nghiên cứu xây dựng đường sắt phục vụ khai thác bauxit từ Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Mũi Né (Bình Thuận). Đồng thời, có kế hoạch khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cho khu vực Đà Lạt, nhất là phát triển du lịch…
Trong mấy năm qua, nhất là giai đoạn từ 2011 trở lại đây, Nhà nước đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt của vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), Quốc lộ 19, 20, 28…
Hiện nay, nhờ phát triển mạng lưới giao thông nên thời gian đi lại giữa các tỉnh ngày càng rút ngắn, người dân đi lại thuận tiện, an toàn, chi phí vận tải giảm góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh.
Một doanh nghiệp vận tải chuyên chở phân bón, cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, đường Hồ Chí Minh khi chưa nâng cấp, mở rộng thì một xe vận tải “chạy” 40 chuyến đi và về từ Buôn Ma Thuột- Thành phố Hồ Chí Minh phải thay lốp xe, nhưng hiện nay xe “chạy” ít nhất 40 chuyến mới phải thay lốp xe, thời gian lưu thông xe nhanh hơn (từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ), xe chạy đủ tải, tiết kiệm nhiên liệu gấp nhiều lần so với trước…
Các cảng hàng không của vùng như Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku cũng đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng.
Đến nay mạng lưới giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài gần 40.000 km , chiếm trên 7,33% hệ thống giao thông của cả nước, với tỷ lệ cứng hóa đạt gần 48%; trong đó, quốc lộ dài 2.517 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 88,28%, đường tỉnh dài gần 2.035 km, cứng hóa đạt 85,3%, đường giao thông nông thôn dài 35.347 km, cứng hóa đạt 42,76%...phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.