Giảm nghèo bền vững ở huyện nghèo

Huyện nghèo Mường Khương (Lào Cai) đã phát huy lợi thế đất đai, khí hậu và sự cần cù của đồng bào; tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, để từng bước vươn lên.

Nấm Lư là xã đặc biệt khó khăn, nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135, Nghị quyết 30a... đã tạo động lực để xã này phát triển, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo nhân dân xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kết hợp trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. 

Phát triển vùng cây công nghiệp là một trong các giải pháp của huyện Mường Khương để ổn định kinh tế.

Chị Vàng Thị Lan, hội viên Hội Phụ nữ xã Nấm Lư cho biết: Giờ đây, ở Nấm Lư nhiều gia đình đã trồng lúa Séng Cù cho năng suất cao và thu nhập khá. Trong những năm qua, gia đình chị luôn có nhiều niềm vui, bởi vụ lúa bội thu, cuộc sống thêm no ấm. 


Ông Phạm Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để sử dụng có hiệu quả đất vườn, đất đồi, xã khuyến khích người dân tích cực trồng rừng, trồng cây thuốc lá, đồng thời trồng cỏ voi để phát triển đàn gia súc. Đặc biệt, xã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 


Nấm Lư giờ đang thay đổi từng ngày, từ tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm sang sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi. Cùng với đó là sự phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế. Xã được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ đúng độ tuổi... Ông Phạm Xuân Thái, cho biết thêm: Những năm trước đây, do nhận thức của bà con còn hạn chế nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng phức tạp. Nay, kinh tế khá hơn, bà con đã yên tâm định canh, định cư, xây dựng bản, làng. 


Bên cạnh việc phát triển các loại cây lương thực truyền thống, những năm qua Mường Khương còn tổ chức trồng các loại cây công nghiệp như chuối, dưa, chè, quýt ngọt, sa nhân... giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 


Gia đình anh Vàng Khái Chín, dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ, xã Tung Chung Phố là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn trồng cây sa nhân trên địa bàn xã Tung Chung Phố. Sau hơn 4 năm trồng, trên 5.000 gốc sa nhân dưới tán rừng của gia đình anh đã cho thu hoạch ổn định, mỗi năm mang lại trên 200 triệu đồng. Từ việc trồng sa nhân mà từ một hộ nghèo trong thôn, gia đình anh đã thoát nghèo và từng bước làm giàu. Anh Chín cho biết, so với các loại cây trồng khác, trồng cây sa nhân, không phải làm cỏ mà chỉ phải bón phân một lần duy nhất vào lúc mới trồng, nên ít tốn chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao. Đến nay gia đình anh Chín tiếp tục trồng thêm 7.000 cây sa nhân nữa. 


Ông Sền Quang Thảo, Bí thư xã Tung Chung Phố cho biết, sa nhân là cây dược liệu quý được trồng dưới tán rừng già, sau 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Hiện, năng suất trung bình của cây sa nhân đạt từ 100 kg - 200kg quả khô/ha/năm. Với giá bán dao động từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/kg quả khô, cây sa nhân mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/ha. Cây sa nhân có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, hứa hẹn sẽ trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây. 


Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Những năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Thông qua chính sách hỗ trợ sản xuất từ các nguồn vốn 30a, 135, nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong nông nghiệp, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Vùng cây lương thực (lúa Séng Cù, ngô lai hàng hóa...), vùng cây ăn quả (dứa, chuối...) và vùng chè. Mường Khương cũng đã hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ khoanh nuôi và trồng mới 14.000 ha rừng; hỗ trợ chăn nuôi gia súc; hỗ trợ chuyển đổi cây ngắn ngày, trồng cây ăn quả... Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn dần được đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 5 - 6%/năm. 


“Để công tác giảm nghèo thực sự đạt hiệu quả, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân; đồng thời tích cực tuyên truyền, giới thiệu, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, kinh nghiệm thoát nghèo nhanh, bền vững của các hộ gia đình, địa phương. Hàng năm, công tác rà soát hộ nghèo được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác. Với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, tôi tin rằng trong thời gian tới, công tác giảm nghèo của huyện sẽ đạt kết quả cao”, ông Đinh Trọng Khôi cho biết. 

Bài và ảnh: Minh Phúc
Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ và xóa đói giảm nghèo bền vững
Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ và xóa đói giảm nghèo bền vững

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 7/3, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII tiếp tục nghe đại diện các cấp Hội chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ phụ nữ cơ sở, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN