Giá lúa Đông Xuân tại Kiên Giang giảm 1.200 - 1.300 đồng/kg so với vụ mùa trước

Hiện nay, giá lúa Đông Xuân 2018 - 2019 tại tỉnh Kiên Giang đã tăng lên so với đầu vụ nhưng vẫn ở mức thấp so với vụ mùa Đông Xuân năm trước. Mặc dù trúng mùa nhưng bà con nông dân kém vui do lúa rớt giá, lợi nhuận giảm.

Chú thích ảnh
Nông dân ấp Kênh 4A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp thu hoạch lúa Đông Xuân 2018 - 2019.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến thời điểm này, tỉnh đã thu hoạch khoảng 121.000 ha, đạt gần 42% diện tích xuống giống. Dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân, năng suất hơn 7 tấn/ha, sản lượng trên 2 triệu tấn. Theo khảo sát, giá lúa chất lượng cao thương lái mua tại ruộng hiện nay từ 4.700 - 4.800 đồng/kg, giảm 1.200 - 1.300 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2017 - 2018.

Mặc dù giá lúa thị trường giảm thấp, một số doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu lúa với nông dân vẫn đảm bảo mua theo hợp đồng. Một số doanh nghiệp thương lượng với nông dân giảm 300 - 400 đồng/kg so với giá ký kết mua ban đầu. Một số doanh nghiệp thương lượng thu mua 70% sản lượng lúa hợp đồng theo giá ký kết và 30% sản lượng lúa hợp đồng theo giá thị trường được nông dân đồng thuận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Chị Phạm Minh Nguyệt, trú tại ấp Kênh 4A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết, vụ lúa Đông Xuân này, gia đình chị gieo sạ 2 ha, năng suất khoảng 7 - 8 tấn/ha. Giá lúa năm nay quá thấp nên dù trúng mùa nhưng không vui lắm. Cụ thể là lúa Đông Xuân năm rồi chị bán 6.100 đồng/kg, năm nay chỉ có 4.750 đồng/kg, mất gần phân nửa so với năm trước.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 4A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), ông Nguyễn Minh Hải chia sẻ: Trên cánh đồng của hợp tác xã đang thu hoạch chính vụ Đông Xuân. Giá lúa thấp hơn so với năm 2018. Năm vừa qua, giá lúa Đài Thơm hợp tác xã sản xuất bán 6.000 đồng/kg, năm nay chỉ được 4.600 - 4.700 đồng/kg, thiệt hại cho nông dân rất lớn. Năm trước lãi đến 50 - 60% nhưng năm nay chỉ được 30%. Mặc dù giá thấp nhưng nông dân không trữ lại, thu hoạch đến đâu bán hết cho thương lái đến đó, lúa không bị tồn đọng.

Bà Phan Kim Loan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) cho biết thêm: “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động bà con nên ký hợp đồng bán lúa với doanh nghiệp. Chúng tôi mời các doanh nghiệp đến huyện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân nhưng bà con không ký kết với doanh nghiệp. Tới đây, Phòng nông nghiệp tổng kết vụ Đông Xuân, triển khai vụ Hè Thu tiếp tục mời các doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa với các hợp tác xã”.

Được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các công ty, doanh nghiệp tăng cường thu mua lúa tạm trữ, tiêu thụ lúa trong nông dân. Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang mời các sở, ngành chức năng, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong và ngoài tỉnh bàn giải pháp tiêu thụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019. Nhiều công ty như: Công ty Vinacam, Công ty Trung An, Công ty Cổ phần thương mại Kiên Giang, Công ty Vinh Phát... cho biết đang triển khai kế hoạch thu mua lúa hàng hóa trong nông dân. Các ngân hàng thương mại chi nhánh tại Kiên Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vốn vay để mua lúa tạm trữ.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo của tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân giá lúa giảm thấp do ảnh hưởng của thị trường hoạt động xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều khó khăn. Một số thị trường chưa có nhu cầu nhập, trong khi áp lực tiêu thụ vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 gia tăng; thị trường xuất khẩu gạo tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan chào bán ở mức thấp, Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao; các nước nhập khẩu tăng cường đặt ra tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất khẩu.

Bàn giải pháp tiêu thụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đề nghị ngân hàng thương mại xem xét việc cho doanh nghiệp thế chấp bằng lượng lúa gạo mua nhằm nâng hạn mức vay giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, chủ động xuất khẩu. Đồng thời khuyến cáo nông dân trước tình trạng giá lúa thấp không nên trữ lại chờ giá, vì lúa nông dân tự phơi trữ lại không đảm bảo độ ẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo, chú trọng thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng. Mặt khác đề nghị các doanh nghiệp tham gia tạm trữ lúa gạo tăng cường mua hết lúa trong dân…

Về lâu dài, để đảm bảo sản xuất lúa an toàn, bền vững và hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đề nghị các ngành liên quan trong thời gian tới cần tăng cường dự báo thị trường, vì đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, sản xuất theo nhu cầu của thị trường; tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - nông dân để ổn định khâu sản xuất và tiêu thụ. Hình thành chuỗi sản xuất, phát huy vai trò của hợp tác xã, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân vừa phát triển sản xuất bền vững.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Giá lúa tăng từ 200- 300 đồng/kg
Giá lúa tăng từ 200- 300 đồng/kg

Ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa thương phẩm ở tỉnh này tăng từ 200- 300 đồng/kg, nhà nông rất phấn khởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN