Gia Lai: Vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp

Nhiều năm nay, việc 17 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc phường Chi Lăng, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) vẫn gặp khó trong công tác di dời, tháo dỡ. Chính quyền địa phương đang vận động người dân tự nguyện tháo dỡ các công trình này.

Chú thích ảnh
Một hộ dân tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Theo Kết luận thanh tra của Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku (tháng 12/2022) trong quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2021, khu vực đồi sân bắn đường Lý Chính Thắng, Tổ 4, phường Chi Lăng hiện có 17 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong số những căn nhà “2 không" này (không sổ đỏ, không giấy phép xây dựng) có một hộ được cấp phép xây nhà, 16 hộ còn lại không được cấp phép xây dựng. 

Đến giai đoạn những năm 2019 - 2022, theo Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch thành phố Pleiku, quy hoạch khu đất trên là đất quốc phòng và đất nông nghiệp lâu năm, Quyết định số 429/QĐ-UBND ngày 29/06/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất thành phố Pleiku, khu vực này vẫn được quy hoạch là đất quốc phòng và đất nông nghiệp lâu năm. Vì thế, những căn nhà này lại thêm vi phạm xây dựng trên đất quốc phòng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, Ủy ban nhân dân phường Chi Lăng đã buông lỏng quản lý để các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp trái phép; có trường hợp sau khi xử phạt, cá nhân vi phạm vẫn ngang nhiên tiếp tục vi phạm mà Ủy ban nhân dân phường không có biện pháp xử lý triệt để. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2021 (thời kỳ thanh tra), Ủy ban nhân dân phường Chi Lăng đã buông lỏng quản lý khi tiếp tục để 5 hộ dân xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp (theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng là đất quốc phòng). 

Trong số 17 hộ dân vi phạm, một hộ vẫn được ngành chức năng cấp giấy phép xây dựng dù khu vực xây dựng nhà vẫn đang thuộc quy hoạch đất nông nghiệp. Ông V.V.T - hộ duy nhất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho rằng: Thời điểm ông chuyển về đây là từ năm 2016, khi đó, đất đã có sổ đỏ đầy đủ nên mới tiến hành xây dựng nhà ở. Việc cấp sai hay không là do lỗi của chính quyền, gia đình không sai. Vì phải có đầy đủ giấy tờ, chính quyền địa phương mới để gia đình ông xây dựng. Về vấn đề liên quan đến việc nằm trong vùng quy hoạch đất quốc phòng, ông cũng không nắm rõ. Người dân không được thông tin về việc đó.

Đến thời điểm hiện tại, 16 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang được chính quyền địa phương vận động tháo dỡ. Tuy nhiên, công tác vận động tháo dỡ, di dời đang gặp rất nhiều khó khăn.

Lý giải về việc để các căn nhà “mọc” trái phép trên đất nông nghiệp một thời gian dài nhưng không được xử lý triệt để, làm phá vỡ quy hoạch, chủ trương của tỉnh, ông Lê Giang Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chi Lăng, cho biết: Người dân lợi dụng thời điểm dịch COVID-19 đang căng thẳng, lén lút xây dựng, cơi nới nhỏ lẻ, phường khó kiểm soát được. Phường đang vận động người dân tự tháo dỡ, di dời. Người nào đã có nhà cửa ở nơi khác, đề nghị di dời trước. Những hộ hoàn cảnh khó khăn sẽ di dời sau.

Về thông tin về việc 17 căn nhà xây dựng trái phép tại địa phương là trên đất quốc phòng, ông Lê Giang Sơn cho rằng chưa chính xác. Vì, thời điểm từ 2010 - 2015, người dân đã vào đây dựng nhà chòi để ở. Đến năm 2019, tỉnh Gia Lai mới có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu vực trên là đất quốc phòng và đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Hiện tại, đất này chỉ là đang quy hoạch, chưa giao cho bất kỳ đơn vị quân đội nào quản lý.

Khôi Nguyên (TTXVN)
Đề nghị UBND TP Hà Nội thanh tra dự án đất nông nghiệp 'biến tướng' thành khu du lịch sinh thái
Đề nghị UBND TP Hà Nội thanh tra dự án đất nông nghiệp 'biến tướng' thành khu du lịch sinh thái

Đáng chú ý tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội vào sáng 12/5, bà Phùng Thị Hồng Hà đã đề nghị Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội thanh tra toàn diện dự án đất nông nghiệp "biến tướng" thành khu du lịch tại huyện Phúc Thọ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN