Dự án kè sông Cần Thơ có nguy cơ không nhận được 100% vốn tài trợ từ AFD

Do khối lượng thi công sẽ không thể hoàn thành vào ngày 15/6/2023 và đồng nghĩa với việc dự án kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu sẽ không nhận được 100% nguồn vốn tài trợ, điều này dẫn đến việc thành phố Cần Thơ phải trích ngân sách địa phương để thực hiện các khối lượng thi công không nhận được tài trợ vốn từ AFD.

Chú thích ảnh
Ông Hervé Conan, Giám đốc quốc gia AFD tại Việt Nam cho biết các khối lượng thi công Dự án Kè sông Cần Thơ sẽ không thể hoàn thành vào ngày 15/6/2023, đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được 100% nguồn vốn tài trợ từ AFD.

Trên đây là nhận định của ông Harvé Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam trong buổi làm việc chiều 1/3 với lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ và các sở, ngành liên quan về tổng kết dự án này.

Giám đốc AFD tại Việt Nam Harvé Conan cho biết, sau khi xem xét thực địa và làm việc với các nhà thầu, sở, ngành liên quan của Cần Thơ, phía AFD sẽ xem xét khối lượng thi công nào sẽ tiếp tục được tài trợ và khối lượng thi công nào sẽ kết thúc nguồn tài trợ của AFD.

Theo tính toán của AFD với các nhà thầu thi công tính đến 15/6/2023, có khoảng 86% khối lượng thi công trong hợp đồng các gói thầu sẽ được tài trợ vốn. Tuy nhiên, để khối lượng thi công này hoàn thiện khi mặt bằng được các quận, huyện thực hiện bàn giao cho các nhà thầu vào tháng 3/2023, các nhà thầu cần được bàn giao mặt bằng sớm nhất có thể, đặc biệt trước mùa khô, khoảng tháng 5, tháng 6/2023 để thuận lợi thi công.

Nếu tiến độ thi công không được đẩy nhanh, thành phố sẽ không tận dụng được nguồn vốn tối đa AFD tài trợ cho dự án. Vì vậy, các địa phương cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu hoàn thiện khối lượng thi công càng sớm càng tốt, tận dụng tối đa nguồn vốn AFD trước thời hạn 15/6/2023.

Liên quan đến thời hạn hợp đồng các gói số 1, 2, 3 (kết thúc trước tháng 6/2023), địa phương cần thực hiện gia hạn hợp đồng với nhà thầu trước tháng 3/2023 để không bị gián đoạn thi công. Liên quan đến gói số 4, AFD chấp thuận gia hạn gói số 4 đến ngày 30/4/2023.

Chú thích ảnh
Theo tính toán của AFD với các nhà thầu thi công tính đến 15/6/2023, có khoảng 86% khối lượng thi công trong hợp đồng các gói thầu thuộc Dự án Kè sông Cần Thơ sẽ được tài trợ vốn.

Ghi nhận những ý kiến từ đại diện AFD, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định, tiến độ dự án triển khai còn rất chậm, dù UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo nhiều lần, nhưng việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa dứt điểm. Vì vậy, các quận, huyện, sở, ngành liên quan phải tiếp thu ý kiến của AFD để triển khai công việc một cách hiệu quả.

Đối với những vướng mắc của từng địa phương trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị các địa phương, sở, ngành liên quan gấp rút giải quyết và dồn sức để dự án hoàn thành đúng thời gian. Đối với thủ tục hợp đồng đã hết phải chuẩn bị thủ tục gia hạn để tránh gián đoạn.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng đề nghị các sở, ngành liên quan quán triệt thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố và thông báo kết luận của cuộc họp này sẽ được gửi đến từng đơn vị để thực hiện.

Chú thích ảnh
Dự án Kè sông Cần Thơ thuộc địa bàn phường An Bình, quận Cái Răng còn gặp khó khăn do vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.095 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ; trong đó, đối với nguồn vốn AFD, nhà tài trợ đã đồng thuận gia hạn thời gian rót vốn đến ngày 30/4/2023.

Dự án này có tổng chiều dài toàn tuyến gần 5,2 km qua quận Ninh Kiều, Phong Điền và bờ đối diện phía quận Cái Răng bao gồm 4 gói thầu xây lắp 1, 2, 3, 4. Thời gian bắt đầu dự án kè sông Cần Thơ từ năm 2016, kết thúc dự án vào ngày 31/12/2023.

Theo báo cáo, dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, còn 57 trường hợp, tương đương 806,5 m chưa bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân chính là do các trường hợp chưa được bố trí tái định cư, một số hộ còn khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
 Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN