Đồng bằng sông Cửu Long 'mất' 1.800 doanh nghiệp

Đồng bằng sông Cửu Long mất trên 1.800 doanh nghiệp tính từ đầu năm đến nay.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre sản xuất "3 tại chỗ" để phục hồi hoạt động trở lại sau tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), 9 tháng 2021, cả nước có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 16,73% so với cùng kỳ năm 2020 và có 32.398 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,44% so với cùng kỳ. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7.941 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, trong khi có 6.109 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long mất trên 1.800 doanh nghiệp tính từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả vùng chỉ bằng 34% cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng trên vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc.

Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 6/13 tỉnh có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, Hậu Giang giảm 30%, Tiền Giang giảm 29%, An Giang giảm 27%, Sóc Trăng giảm 26%, Bến Tre giảm 24% và Vĩnh Long giảm 21%. Tỉnh Kiên Giang là địa phương trong vùng có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao và có tốc độ giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa trong thời điểm dịch bệnh, số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm đã kéo giảm kim ngạch xuất khẩu toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tháng 8 và tháng 9.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), riêng tháng 8 và 9 là hai tháng có kim ngạch xuất khẩu toàn vùng chỉ đạt trên 1 tỷ USD, thấp nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, do thuận lợi trong những tháng đầu năm nên tính cộng gộp 9 tháng năm nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3 tỉnh chịu ảnh hưởng xuất khẩu giảm là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, còn lại các tỉnh đều tăng. Trong đó, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau là 3 tỉnh tăng nhiều nhất trong vùng lần lượt là 22%, 18% và 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, dịch bệnh cơ bản được khống chế. Tổng hợp từ các địa phương, sau thời gian mở cửa, hiện số lượng doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất nhưng mới đạt tỷ lệ từ 30% - 50% số doanh nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh; trong đó, số doanh nghiệp có quy mô lao động lớn vẫn chưa nhiều.

Tại Cần Thơ, tính đến ngày 17/10, mặc dù, 150 doanh nghiệp đã tái sản xuất trở lại so với ngày 22/9, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 306 doanh nghiệp nhưng thành phố vẫn còn 861 doanh nghiệp còn tạm dừng hoạt động, chiếm 73,78% tổng số doanh nghiệp; trong đó, 72 doanh nghiệp trong khu công nghiệp và 789 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Lam nhận định, do mỗi địa phương có quy định quản lý khác nhau làm cho doanh nghiệp trong vùng, nhất là các khu công nghiệp hay các nhà máy đặt giáp ranh giữa các tỉnh không có công nhân đi làm việc. Người dân và doanh nghiệp thì không nắm được khi những quy định không đồng nhất với nhau. Có nơi quy định người lao động phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và phải xét nghiệm COVID-19 sau 72 giờ hoặc 48 giờ mới được phép vào tỉnh. Có tỉnh thì buộc cách ly 7 ngày, một số tỉnh lên tới 14 ngày, không ít tỉnh buộc phải có giấy phép đồng ý từ UBND tỉnh mới được vào địa phương.

Trước những rào cản "làm khó" cho doanh nghiệp tái hoạt động trở lại, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Cần Thơ đề xuất, cần có sự thống nhất chung giữa các tỉnh về quy định chung đi lại giữa các địa phương, tạo điều kiện cho người lao động đi lại giữa các tỉnh và vận tải lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam đề xuất, các tỉnh, thành kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn. Về phía Trung ương có chính sách đào tạo cho người lao động quay trở về địa phương.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố nên trao quyền tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp trong việc tự quản lý công nhân và bảo đảm an toàn sản xuất, các doanh nghiệp tự xét nghiệm nếu thấy cần thiết. Doanh nghiệp cũng đề xuất được kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm để tạo điều kiện khôi phục sản xuất. Thời gian đề xuất là 3 hoặc 6 tháng và sẽ truy thu sau khi ổn định sản xuất.

Thu Hiền (TTXVN)
Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI
Hà Nội đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI

Sáng 19/10, UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) thực hiện; tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN