Quy hoạch đã nêu rõ, hướng khai thác sản phẩm đặc trưng của du lịch vùng này là: Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; hệ sinh thái núi cao, hang động, trung du; nghỉ dưỡng núi, nghỉ cuối tuần; thể thao, khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu.
Theo quy hoạch, các địa bàn trọng điểm để phát triển du lịch gồm: Sơn La - Điện Biên gắn với Mộc Châu, hồ Sơn La, cửa khẩu quốc tế Tây Trang, di tích lịch sử Điện Biên Phủ và Mường Phăng; Lào Cai gắn với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, khu nghỉ mát Sapa, Phan Xi Phăng và vườn quốc gia Hoàng Liên; Phú Thọ gắn với lễ hội Đền Hùng và hệ thống di tích thời đại Hùng Vương, du lịch hồ Thác Bà; Thái Nguyên - Lạng Sơn gắn với hồ Núi Cốc, di tích ATK Định Hóa, Tân Trào, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, khu nghỉ mát Mẫu Sơn; Hà Giang gắn với công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, cảnh quan Mèo Vạc, Mã Pí Lèng, Na Hang…
Quy hoạch cũng định hướng và tập trung đầu tư phát triển 12 khu du lịch quốc gia, gồm: Cao nguyên đá Đồng Văn; thác Bản Giốc; Mẫu Sơn; hồ Ba Bể; Tân Trào; hồ Núi Cốc; Sapa; hồ Thác Bà; Đền Hùng; Mộc Châu; Điện Biên Phủ - Pá Khoang; hồ Hòa Bình. 6 điểm du lịch quốc gia gồm: TP Lào Cai; Pác Bó; TP Lạng Sơn; Mai Châu, Mộc Châu, Pá Khoang.
Hình thành các địa bàn trọng điểm du lịch, tạo ra những cực hút và điểm nhấn tập trung đồng thời liên kết phát triển các điểm du lịch trong vùng; quản lý phát triển những điểm đến mang thương hiệu Tây Bắc như Sapa, Đồng Văn, Mộc Châu, Điện Biên Phủ, Thác Bà, Ba Bể...
Quy hoạch cũng định hướng phát triển Xín Mần, Sìn Hồ, hồ Nà Hang, hồ Cấm Sơn; hồ Sơn La… thành một số khu, điểm du lịch quan trọng của vùng.