Diện mạo mới ở ba vùng chiến lược

Trong năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai như lũ lụt, rét đậm rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn... nhưng với sự phấn đấu vươn lên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở ba vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã giành được những thành tựu quan trọng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát công tác trồng, chăm sóc và sản xuất chè tại Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.
 
Kinh tế xã hội phát triển
 
Theo đánh giá của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, năm 2016 kinh tế ở ba vùng phát triển khá ổn định. Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2016 duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người từng bước được thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước (vùng Tây Bắc đạt trên 27 triệu đồng, vùng Tây Nguyên trên 36 triệu đồng, vùng Tây Nam Bộ trên 40 triệu đồng, so với cả nước gần 46 triệu đồng).
 
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả ba vùng đều tăng nhanh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Bắc đạt 119,9 nghìn tỷ đồng, Tây Nguyên đạt 73,8 nghìn tỷ đồng, Tây Nam Bộ đạt 258,6 nghìn tỷ đồng; tình hình thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Các hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hạ tầng giao thông vận tải trong năm qua tiếp tục được quan tâm đầu tư khá đồng bộ; đã nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến trục dọc, trục ngang, đường vành đai, đường ven biển, đường tuần tra biên giới, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ba vùng.
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Qua hơn 5 năm thực hiện, ở ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã xây dựng hàng nghìn mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới và số chỉ tiêu trung bình các xã đạt được đều tăng khá.
 
Theo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động do hạn hán, xâm ngập mặn, gây thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nhưng về cơ bản vẫn phát triển khá ổn định. Ba địa bàn đều đã phát huy được lợi thế của những vùng sinh thái đặc thù để phát triển những sản phẩm mũi nhọn đứng đầu trong cả nước, như lúa gạo, thủy sản, cà phê, rau, hoa, cây ăn trái và các cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới... Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi và mở rộng.
 
Nhiều mô hình đầu tư thâm canh áp dụng công nghệ cao, không ngừng gia tăng giá trị sản xuất trên một héc ta đất canh tác, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu... đều phát triển khá nhanh. Công tác cung ứng hàng hóa cho cư dân vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ. Đáng chú ý là xuất khẩu từng bước mở rộng thị trường và tăng dần xuất khẩu trực tiếp. Nổi bật như vùng Tây Nam Bộ, tuy chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn ở mức cao (năm 2015 kim ngạch đạt trên 13 tỷ USD), với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ.
 
Công tác an sinh xã hội được tập trung chăm lo khá tốt. Các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người nghèo ổn định đời sống. Thực hiện chính sách dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, cả ba vùng đã tập trung đầu tư, hỗ trợ sản xuất, đời sống cho vùng dân tộc thiểu số, từng bước thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
 
Chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững đã được triển khai, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở các địa bàn nông thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc còn 14,96%, Tây Nguyên còn 7,3%, Tây Nam Bộ còn 3,54%.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đều cho rằng, quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở ba vùng còn nhỏ và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa phát triển vì thiếu nguồn lực và sự liên kết.
 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thực trạng chung là đường sá chất lượng thấp, hạ tầng công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống dân cư cũng như sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và giải quyết đầu ra cho nông sản.
 
Hiện nay về cơ bản, nông nghiệp ở Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên, thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân bằng, gây những tác động xấu cho môi trường. Qua các đợt thiên tai bất thường năm 2015 - 2016 cho thấy tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước ở ba vùng đều suy giảm nhanh chóng, dẫn đến hậu quả to lớn cả trước mắt và lâu dài về môi trường sinh thái, là nguyên nhân khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... diễn ra gay gắt trên diện rộng.
 
Đẩy mạnh quy hoạch vùng, liên kết vùng
 
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cần chủ trì cùng các địa phương trong vùng, các ban, bộ, ngành, chỉ đạo tiến hành nghiên cứu “Đề án chiến lược, cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội cho từng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”. Từng địa bàn có thể xây dựng các đề án phát triển vùng cho các nội dung liên kết vùng như cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo (ĐBSCL); cà phê, hồ tiêu (vùng Tây Nguyên); chè, dược liệu (vùng Tây Bắc).

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc còn 14,96%, Tây Nguyên còn 7,3%, Tây Nam Bộ còn 3,54%.

 
Trong đề án tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nhất là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần đưa nội dung cơ cấu kinh tế vùng vào trong các đề án. Nội dung đề án căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững về sinh thái, kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng.
 
Đối với vùng Tây Bắc, có nhiệm vụ giữ gìn sinh thái cho sự phát triển bền vững cả châu thổ sông Hồng, do đó xây dựng quy hoạch phát triển không gian phải dựa trên cơ sở làm rõ chức năng, vai trò của Tây Bắc với sự phát triển chung cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch phát triển Tây Bắc cần trên trục lâm - nông nghiệp làm nền tảng gắn với xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển các chuỗi giá trị lâm - nông nghiệp - thực phẩm, dược liệu. Tây Bắc cũng là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng đồng bào dân tộc, do vậy quy hoạch phát triển kinh tế của vùng cần phục vụ ổn định và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân...
 
Với vùng Tây Nguyên, đây không chỉ là địa bàn để tổ chức các chuỗi sản xuất nông nghiệp - thực phẩm toàn cầu hiện đại cả về công nghệ, quản trị tầm quốc tế như cà phê, hồ tiêu. Đây cũng là nơi phải bảo đảm không gian phát triển bền vững các cộng đồng văn hóa dân tộc, sinh thái. Tây Nguyên có hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ, đảm bảo tính bền vững của nhau, đó là: Phát triển kinh tế với sự hội nhập Tây Nguyên sâu vào quốc tế với các chuỗi giá trị tầm thế giới cả về nông nghiệp, du lịch; và một Tây Nguyên giữ vai trò sinh thái hết sức quan trọng, có tính sống còn cho sự phát triển bền vững đảm bảo an ninh nguồn nước, sinh thái cho chính sự phát triển của Tây Nguyên và của toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL và kể cả vùng duyên hải miền Trung. Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên phải cân đối hài hòa trên không gian hai chức năng chính đó. Trong đó chức năng sinh thái Tây Nguyên cần được coi như nền tảng, đảm bảo sự ổn định phát triển bền vững quốc gia và Tây Nguyên về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh...
 
Đối với vùng Tây Nam Bộ, việc quy hoạch lãnh thổ cần làm rõ vai trò, chức năng của vùng ĐBSCL là vùng phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, cạnh tranh toàn cầu. Do đó các chính sách hạ tầng, quản trị, đất đai, quy hoạch của một bộ phận lớn diện tích của vùng là những tiêu chuẩn của một nền nông nghiệp hiện đại, tiêu chuẩn quản trị quốc tế, hệ thống dịch vụ công nông nghiệp có tính cạnh tranh và chi phí thấp so với thế giới. Với bối cảnh mới về xâm nhập mặn, nguồn nước, sự hội nhập của các chuỗi giá trị nông - thủy sản của vùng trên thị trường quốc tế, Tây Nam Bộ cần được quy hoạch thành các tiểu vùng kinh tế với các chiến lược kinh tế khác nhau, thực hiện quản trị kinh tế tiểu vùng thống nhất...
 
Ba tiểu vùng đã được các chuyên gia và lãnh đạo địa phương xác định là Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau cần được định hình ba chiến lược tăng trưởng tiểu vùng, quy hoạch với trọng điểm trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản quản trị hiện đại, bền vững sinh thái, quy mô lớn. Công nghiệp được phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho nông nghiệp là chính như chế biến, bảo quản thực phẩm, sản xuất vật tư đầu vào phục vụ nông nghiệp. Phấn đấu trở thành địa bàn của chuỗi nông - thủy sản - thực phẩm hiện đại từ nghiên cứu ứng dụng công nghệ, công nghiệp trang thiết bị, thức ăn; sản xuất giống cho thủy sản, nông nghiệp... Sản xuất lớn quy mô vùng, nhất là về thủy sản, cây ăn quả, lúa, cần có quy hoạch và thống nhất quản trị theo tiểu vùng sản xuất.
 
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc:
 
Cần những giải pháp chiến lược, lâu dài
 
Thời gian qua, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tỉnh Tây Bắc đã nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, khi triển khai các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty mỗi đơn vị đã nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất một huyện nghèo. Các doanh nghiệp cam kết nhận hỗ trợ cho 43 huyện nghèo trong vùng Tây Bắc đến năm 2020 tổng số tiền gần 2.115 tỷ đồng... Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với vùng Tây Bắc, cùng với những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các tỉnh trong vùng cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài, trong đó chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống tinh thần đối với người có công, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đối tượng yếu thế. Thực hiện hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình, chính sách, đảm bảo đúng đối tượng được hưởng; tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng, ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là đối với việc thực hiện cam kết của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân...
  
Đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:
 
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế vùng
 
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc khối đoàn kết toàn dân tộc, tập trung phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội năm 2017, mở đầu thuận lợi cho giai đoạn phát triển 2016 - 2020 nhằm “Xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc” theo Kết luận số 12 của Bộ Chính trị. Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Triển khai chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng thiếu nước, hạn hán, sa mạc hóa ở Tây Nguyên. Thúc đẩy quy hoạch đầu tư phát triển thủy lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bảo vệ rừng (đóng cửa rừng tự nhiên), phục hồi rừng bền vững, sắp xếp, đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Qua hơn 5 năm, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 90.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó đã xây dựng hàng ngàn mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Toàn vùng đã có huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn NTM và 95 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, vùng Tây Nguyên có 100% số xã có đường ô tô về đến trung tâm đi được cả hai mùa mưa, nắng; 100% số xã có điện lưới quốc gia và gần 98,5% số thôn, buôn, bon, làng có điện, 96% số hộ ở nông thôn được sử dụng điện...
  
Đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
 
Cần có chính sách đặc thù trong liên kết vùng
 
Thời gian qua, công tác liên kết vùng được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng quan tâm phối hợp. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế vùng được triển khai, tổ chức thực hiện đã tạo động lực cho vùng ĐBSCL phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế vùng ĐBSCL chưa được khai thác hiệu quả, kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi. Giá trị sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định, có nguy cơ thu hẹp diện tích sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, môi trường đang bị ô nhiễm. Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ nói riêng và các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên nói chung, tôi đề nghị: Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để các vùng thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đối với vùng ĐBSCL là lúa - gạo, thủy sản và cây ăn trái. Bên cạnh đó, tập trung huy động nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình liên tỉnh như: đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, các trục ven biển. Đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng các luồng vận tải thủy, nâng cấp các cảng biển, cảng sông; đặc biệt quan tâm hình thành cảng biển nước sâu của khu vực Tây Nam Bộ. Trước mắt, cần xây dựng cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp quốc gia và xây dựng trung tâm Logistics tại thành phố Cần Thơ để tăng năng lực giao thương hàng hóa. Phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê, bờ kè, các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 2220/QĐ - TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ (Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 593/QĐ - TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó có vấn đề xây dựng Trung tâm thông tin vùng ĐBSCL phục vụ quá trình liên kết phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thực hiện thí điểm, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình liên kết theo từng tiểu vùng sinh thái như: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau... Đồng thời đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư nhằm tạo sức bật mới; tăng cường huy động và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Viết Tôn
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ
Phát huy lợi thế Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ

Thực hiện chính sách đồng bộ, đầu tư hơn nữa cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế vùng trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội là niềm mong mỏi và cũng là tâm huyết của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN