Người dân phản ánh việc công ty này nhiều lần phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt của các hộ dân. Tại một số khu vực, Công ty Thuận An gieo trồng các loại cây rau màu ngắn ngày như bắp cải, khoai lang, bí đỏ, bắp… Tại các diện tích này, việc sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuốc bảo vệ thực vật khá phổ biến. Thậm chí, việc phun thuốc tại một số giai đoạn được tiến hành định kỳ hàng tuần. Người dân cho rằng, việc phun thuốc thường xuyên, trên quy mô, diện tích rộng đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của bà con.
Trong các biên bản làm việc với đại diện Công ty Thuận An, các đơn vị, cá nhân liên doanh, liên kết và chính quyền địa phương, người dân xã Thuận An yêu cầu việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ danh mục đã được các cơ quan chức năng cấp phép. Theo người dân, Công ty Thuận An và các đơn vị, cá nhân liên doanh, liên kết luôn khẳng định chỉ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Tuy nhiên, bà con thường xuyên cảm nhận mùi rất khó chịu. Các hộ dân yêu cầu trước khi phun thuốc phải thông báo để Ban tự quản thôn giám sát và người dân biết để có các giải pháp phòng, tránh các tác hại, ảnh hưởng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, quá trình thực hiện dự án của Công ty Thuận An gây ảnh hưởng tới đời sống dân sinh. Người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Hai vấn đề người dân thường xuyên phản ánh là việc phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và việc xói lở đất vào đường giao thông, nương rẫy. Ước tính có khoảng 40 - 50 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.
Theo ông Trần Khắc Dũng, vùng dự án của Công ty Thuận An nằm tiếp giáp với hai khu dân cư. UBND xã kiến nghị cần sớm triển khai trồng, chăm sóc các loại cây lâu năm (như cà phê, bơ…) theo đúng phương án đã được ngành chức năng tỉnh phê duyệt. Việc trồng các loại cây lâu năm sẽ hạn chế cày xới đất, sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, qua đó bớt ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống liền kề.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Một, Giám đốc Công ty Thuận An khẳng định, những ảnh hưởng do quá trình triển khai dự án tới các hộ dân sinh sống liền kề không lớn và việc phản ánh chỉ là một bộ phận các hộ dân. Ông Lê Văn Một giải thích, việc trồng các loại cây ngắn ngày là để cải tạo đất. Dự kiến, tới năm 2026, Công ty Thuận An mới hoàn thành việc trồng hết cà phê trên diện tích gần 300 ha được giao.
Công ty Cổ phần cà phê Thuận An được chuyển đổi từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Thuận An (doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) vào tháng 7/2019. Hiện Công ty có vốn điều lệ hơn 16 tỷ đồng và đang triển khai dự án trên diện tích gần 300 ha.
Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Mil, sau 4 năm triển khai dự án, Công ty Thuận An mới trồng 50 ha cà phê. Theo Giám đốc Công ty Thuận An, diện tích đã trồng là 130 ha.
Liên quan tới vấn đề này, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông trong cuộc họp được tổ chức ngày 6/7, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các nội dung cử tri phản ánh; đồng thời rà soát, kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên toàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh xử lý.