Đắk Lắk: Hồ tiêu rụng đốt, cháy lá sau khi bón phân

Thời gian gần đây, người dân các huyện CưM’gar, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) lo lắng vì hàng nghìn trụ hồ tiêu đang cho thu hoạch bỗng nhiên bị cháy lá, rụng đốt và chùm quả, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Các hộ dân đều cho rằng, hiện tượng này xảy ra sau khi họ sử dụng phân bón cho cây tiêu mua trên thị trường.

Hồ tiêu bị rụng chùm quả hàng loạt sau khi bón phân.

Anh Ma Văn Phú, thôn Bình Hòa 2, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ cho biết, gia đình anh trồng 2 ha hồ tiêu. Ngày 14/7 vừa qua, anh Phú có mua 5 tấn phân hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần Phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi bón cho vườn hồ tiêu 800 trụ. Một ngày sau ra thăm rẫy thì phát hiện toàn bộ diện tích hồ tiêu này xảy ra hiện tượng bị cháy lá, rụng đốt và chùm quả từ gốc cao đến hơn 1m. Lo lắng vườn hồ tiêu chết dần, anh Phú đã báo cho chính quyền địa phương và phía Công ty Humic.

Ngày 23/7, đại diện Công ty cổ phần Phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi đã phối hợp với chính quyền xã Bình Thuận xuống thực địa, lấy mẫu phân anh Phú đã sử dụng, bón cho vườn tiêu khác thì vẫn xảy ra hiện tượng cháy lá ở tầm thấp. Theo anh Phú, tình trạng vườn tiêu bị rụng hết lá phần gốc, không thể nuôi dưỡng chùm quả được, không chỉ vụ này mất trắng mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất của vườn cây trong những năm tiếp theo.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thỉnh, thôn Thanh Ba, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar trồng 3 ha hồ tiêu, thu hoạch ổn định được hơn 7 năm nay. Vừa qua, sau khi nghe tư vấn về phân bón Đồng Lộc của Công ty TNHH tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh tại Khu công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, (Đắk Nông) rất tốt cho cây hồ tiêu. Ông Thỉnh đã mua 2 tấn về bón cho vườn tiêu gần 1.000 trụ. Khoảng 10 ngày sau ông Thỉnh phát hiện vườn tiêu của mình bị vàng lá, rụng đốt, héo dần, nhiều trụ tiêu bị chết.

Đây chỉ là hai trong số hàng chục hộ dân trồng tiêu ở Đắk Lắk bị thiệt hại sau khi sử dụng phân bón mua trên thị trường. Đại diện các hộ dân và chính quyền địa phương đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk vào cuộc lấy mẫu, xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân khiến cây hồ tiêu bị rụng lá, chùm quả để người dân bớt hoang mang.

Phân hữu cơ vi sinh của Công ty cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi được gia đình anh Phú bón cho vườn cây.

Chiều ngày 28/8, Đoàn Liên ngành 389 tỉnh Đắk Lắk đã thông báo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm thành phố Hồ Chí Minh đối với mẫu phân hữu cơ của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic-Quảng Ngãi cho thấy, chất hữu cơ có trong phân bón là 28,5% cao hơn so với công bố trên bao bì 13,5% (trên bao bì là 15%); đạm là 3,47% thấp hơn so với công bố trên bao bì là 0,53% (bao bì là 4%). Riêng việc xác định chất gây cháy lá hồ tiêu, Trung tâm cho rằng phải làm thực nghiệm tại vườn hồ tiêu mới kết luận chính xác được.

Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, với kết quả trên Chi cục sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Humic Quảng Ngãi do vi phạm sản xuất phân bón hàm lượng thực tế không đúng so với công bố trên bao bì. Về phía công ty Humic Quảng Ngãi, đơn vị đã cam kết sẽ hỗ trợ hộ gia đình anh Ma Văn Phú 70 triệu đồng để phục hồi vườn cây. Tuy nhiên, đối với mức hỗ trợ này gia đình anh Phú đã không chấp nhận và kiến nghị các ngành chức năng tiếp tục làm rõ.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Hoàng Thái Dương cho rằng, kết qủa kiểm nghiệm mẫu phân bón của Công ty phân bón Humic Quãng Ngãi có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn, hàm lượng đạm thấp hơn so với công bố trên bao bì. Tuy nhiên, hai yếu tố này chưa thể khẳng định được đây là nguyên nhân khiến các vườn tiêu của người nông dân bị thiệt hại.

Những năm gần đây, ngoài cây cà phê, hồ tiêu là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân ở Đắk Lắk vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ khá giả. Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân khiến cây hồ tiêu bị hư hại, bảo vệ quyền lợi của người dân và để họ yên tâm lao động, sản xuất.

Tin, ảnh: Phạm Cường (TTXVN)
Hồ tiêu sạch 'mở khóa' các thị trường khó tính
Hồ tiêu sạch 'mở khóa' các thị trường khó tính

Nhiều hộ nông dân trồng tiêu đã chuyển sang sản xuất tiêu sạch, bước đầu giúp hồ tiêu Việt Nam có thể xâm nhập và đứng vững ở nhiều thị trường khó tính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN